Thụy Điển nỗ lực bảo vệ văn hóa và di sản trước biến đổi khí hậu
16/05/2023 | 14:09Trong một bản ghi nhớ, chính phủ Thụy Điển đã trả lời đề nghị phản hồi của Cao ủy nhân quyền liên hợp quốc về nỗ lực bảo vệ văn hóa bản địa trước biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại hiện nay. Thụy Điển đã có Khung chính sách về khí hậu, bao gồm một đạo luật khí hậu khẳng định chính phủ cam kết không phát thải khí nhà kính ròng vào năm 2045 và sau đó sẽ đạt được mức phát thải âm.
Chính phủ Thụy Điển cũng nhận thức được rằng di sản văn hóa cùng sự đa dạng của các giá trị văn hóa là nguồn tri thức và bản sắc quan trọng cho các cá nhân và xã hội, cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, hòa nhập xã hội và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn có ảnh hưởng lớn đến các di sản văn hóa và thiên nhiên. Các tòa nhà và địa điểm cũng sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều cách.
Ở Thụy Điển, Đạo luật Môi trường Lịch sử quy định rằng di sản văn hóa là vấn đề quan tâm của quốc gia và trách nhiệm đối với di sản văn hóa được tất cả mọi người cùng chia sẻ. Mục đích của các điều khoản trong đạo luật này là để đảm bảo rằng các thế hệ hiện tại và tương lai có thể tiếp cận với nhiều loại di sản văn hóa. Bảo vệ và quản lý di sản văn hóa ở Thụy Điển nhằm mục đích bảo tồn và quản lý các địa điểm có ý nghĩa lịch sử, kiến trúc hoặc khảo cổ học và trao quyền cho di sản văn hóa là một lực lượng trong sự phát triển của một xã hội dân chủ, bền vững.
Ở Thụy Điển, các chuyên gia ở nhiều cấp độ khác nhau đang đóng góp vào việc quản lý rủi ro về di sản văn hóa. Vai trò và trách nhiệm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Thụy Điển cũng được phân chia theo các cấp độ khác nhau, từ địa phương, khu vực đến quốc gia. Ở cấp địa phương, vai trò của chính quyền bao gồm một số hoạt động quan trọng, trong đó được lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở cấp khu vực, các cơ quan hành chính quận, huyện có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thành phố thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường. Là một phần của chính sách này, các địa điểm văn hóa, các tòa nhà và cảnh quan lịch sử có nguy cơ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu được liệt kê ra và từ đó xây dựng cách thức để bảo vệ, bảo tồn. Có một số dự án quốc gia đang được triển khai liên quan đến quản lý rủi ro về khí hậu, ví dụ như dự án hợp tác giữa 15 quốc gia châu Âu nhằm tăng cường và phát triển quản lý các cảnh quan lịch sử ở Bắc Cực - nơi khí hậu thay đổi nhanh chóng.
Ở cấp quốc gia, Ủy ban Di sản Quốc gia Thụy Điển tìm cách bảo tồn và quản lý các cảnh quan và môi trường lịch sử, hợp tác rộng rãi với các cơ quan chức năng khác và đưa ra một kế hoạch hành động để quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Cơ quan này chịu trách nhiệm đối với khoảng 300 tòa nhà lịch sử thuộc sở hữu Nhà nước và có tham gia, các mức độ khác nhau, đối với việc quản lý 7 trong số 14 di sản thế giới được UNESCO công nhận của Thụy Điển. Ủy ban Di sản Quốc gia Thụy Điển đã phát triển một phương pháp phát hiện nguy cơ đối với các di sản và cách làm này đã được thực hiện trong ba dự án khu vực. Hầu hết các kết quả đều có giá trị phổ quát và do đó có thể được áp dụng trong cả nước.
Ở cấp độ khu vực, Ủy ban Di sản Quốc gia Thụy Điển cũng tham gia vào dự án Thích ứng Di sản Phương Bắc của EU. Đây là một dự án hỗ trợ di sản văn hóa của các cộng đồng và chính quyền địa phương thích ứng với các tác động môi trường của biến đổi khí hậu và các mối nguy hiểm tự nhiên thông qua sự tham gia của cả cộng đồng và việc lập kế hoạch bảo tồn.
Mô hình bảo tồn di sản văn hóa bản địa Sami
Ở Bắc Cực, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với những nơi khác trên thế giới. Những thay đổi cũng diễn ra ngày càng nhanh và cực đoan hơn, ảnh hưởng lớn đến văn hóa bản địa của người Sami. Mức tăng nhiệt độ tại Bắc Cực dự kiến cao gấp hai đến ba lần so với mức trung bình.
Chính phủ Thụy Điển khẳng định tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn đối với tất cả mọi người. Nhưng ở Thụy Điển, tác động đối với người dân bản địa Sami là một vấn đề quan trọng sống còn. Và Thụy Điển đang nỗ lực bảo vệ văn hóa và quyền văn hóa của người Sami tại Bắc Cực.
Ở Bắc Cực, việc chăn tuần lộc là một trong những yếu tố quan trọng của nền văn hóa Sámi. Chăn nuôi tuần lộc bị tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu do thay đổi đồng cỏ và đất chăn thả gia súc. Các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến các sinh kế truyền thống khác tạo nên văn hóa Sámi như ngành Duodji (thủ công truyền thống), săn bắn và câu cá. Những hoạt động này giảm sút cũng khiến việc trao truyền giá trị truyền thống giữa các thế hệ người Sámi và việc bảo tồn ngôn ngữ của người Sámi bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trước tình hình này, cơ quan địa phương Sami đã báo cáo thường niên cho chính phủ về cách họ tìm cách bảo tồn tri thức truyền thống của người Sami, tầm quan trọng của những giá trị bản địa này đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học cũng như vai trò của người bản địa trong việc đạt được Chương trình nghị sự bền vững vào năm 2030. Cơ quan địa phương cũng duy trì báo cáo hàng năm về việc thích ứng với biến đổi khí hậu, những điều gì đã và chưa làm được và nguy cơ nào cần ưu tiên đối phó. Quá trình này sẽ do một Hội đồng chuyên gia quốc gia về thích ứng của Thụy Điển đánh giá theo chu kỳ 5 năm.
Hoạt động bảo tồn của cơ quan địa phương Sami cũng gắn bó chặt chẽ với mục tiêu toàn cầu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Chương trình nghị sự môi trường năm 2030 và dựa trên tiến trình đối thoại với các cơ quan chức năng khác. Chính phủ Thụy Điển cũng đang cung cấp nhiều khoản hỗ trợ về văn hóa Sami để khuyến khích các dự án địa phương duy trì, phát triển và truyền kiến thức truyền thống cho các thế hệ sau.