Thực hiện Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lữ hành
19/11/2018 | 14:18Tại Đà Nẵng, việc thực hiện theo Luật Du lịch 2017 và Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực từ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, bước đầu đã đem lại thuận lợi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành, hoạt động hướng dẫn viên du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng.
Đánh giá cao tính hiệu quả của Thông tư 06, ông Nguyễn Văn Tài - Phó Giám đốc Cty Du lịch Bến Thành Tourist tại Đà Nẵng cho biết, Thông tư đã góp phần tạo điều kiện chuẩn hóa, nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ hướng dẫn viên (HDV), tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp lữ hành lưu trú, giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thủ tục, đồng thời tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - HDV. “Theo Thông tư mới, các quy định về HDV du lịch, kinh doanh lữ hành, hoạt động lưu trú được cụ thể hóa hơn so với Luật du lịch 2005. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh theo đúng pháp luật. Các doanh nghiệp đã có cơ sở vận hành kết hợp với cơ quan quản lý có chính sách thu hút khách du lịch. Luật Du lịch mới có văn bản hướng dẫn cụ thể về các điều kiện hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế cụ thể hơn so với trước đây. Quy định mới về bắt buộc có thẻ HDV quốc tế khi HDV dẫn khách trong các tour nước ngoài cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của HDV. Hoạt động của HDV cũng đi vào khuôn khổ được pháp luật quản lý, trách nhiệm quyền lợi đều được quy định rõ ràng cụ thể theo Luật du lịch sửa đổi, các HDV được tham gia vào tổ chức xã hội nhà nước, được hưởng quyền lợi và có trách nhiệm theo đúng luật. Trước đây có nhiều trường hợp HDV bỏ tour, bỏ khách giữa chừng do không thoả thuận được với doanh nghiệp, tạo nên hình ảnh xấu về du lịch thành phố trong mắt bạn bè quốc tế. Bây giờ tình trạng đó đã không tái diễn vì có những quy định ràng buộc các bạn phải nghiêm túc thực hiện. Điều đó đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như lợi ích của chính các HDV - ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
Về phía các cơ sở đào tạo, thực hiện theo Luật Du lịch 2017 và Thông tư 06 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên, đặc biệt là các sinh viên học ngành khác nhưng vẫn muốn hoạt động trong lĩnh vực du lịch: “Nếu như trước kia chỉ có đại học mới được cấp bằng HDV thì bây giờ sinh viên học cao đẳng cũng được cấp bằng, thay đổi mới này giúp cho nhiều sinh viên theo đuổi đam mê hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trên thực tế, có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, có đào tạo về chuyên ngành du lịch, lữ hành nhưng tên ngành ghi trên văn bằng không trùng khớp so với Thông tư 06. Tuy nhiên Tổng cục Du lịch đã kịp thời áp dụng linh hoạt đối với một số trường hợp như thế đồng thời vẫn tạo điều kiện cấp đăng ký kinh doanh bình thường”, thầy Bùi Kim Luận - Phó Khoa Du lịch - Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng cho biết.
Ngay sau Luật Du lịch 2017 được thông qua thì Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với Tổng cục Du lịch triển khai phổ biến tuyên truyền Luật du lịch 2017 cũng như thông tư 06 cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. “Các doanh nghiệp đều rất ủng hộ cách quản lý theo như luật mới hướng dẫn, sửa đổi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, luật cũng phải mang tính thực tế để áp dụng linh hoạt trong thực tiễn, gắn chặt với cuộc sống. Luật Du lịch 2017 có các nội dung cụ thể đã tạo điều kiện cho lực lượng HDV chủ động hơn, ví dụ như trước đây sinh viên phải tốt nghiệp đại học nhưng bây giờ chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng cũng đã có thể tham gia vào việc hướng dẫn du lịch. Đây là thuận lợi đối với lực lượng HDV tham gia lĩnh vực này. Ngoài ra các quy định trong luật đều khá chi tiết, hướng tới xây dựng chuẩn hóa cho các hoạt động tổ chức kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng HDV. Bằng cấp chỉ là quy định nhưng phải có điều kiện chuẩn hóa cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch” - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình đánh giá.
Theo Báo Văn hóa