Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thúc đẩy du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn

23/12/2024 | 11:56

Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch bền vững của địa phương, góp phần tạo thêm động lực, cơ hội để tỉnh Lạng Sơn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học...

Vùng Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn. Các vận động kiến tạo trong khoảng từ 65-23 triệu năm trước đã góp phần tạo ra những di sản địa chất và cảnh quan đa dạng như ngày nay.

Thúc đẩy du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn - Ảnh 1.

Công viên địa chất Lạng Sơn có chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng" bao gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch gồm "Khám phá Thế giới Thượng ngàn"; "Hành trình về miền Thiên giới"; "Cuộc sống dân dã nơi trần thế" và "Đường đến Thuỷ cung"

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Công viên địa chất Lạng Sơn có địa hình địa mạo và địa chất tự nhiên đa dạng với khoảng 200 hang động. Cùng với đó, những đặc điểm về lịch sử kiến tạo địa chất, cảnh quan trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst (hiện tượng bị phong hoá của núi đá vôi). Nhiều hang động độc đáo, chứa các di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (Bình Gia), di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn), hang Gió (Chi Lăng), hang động Nhị - Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)… Những tài nguyên này là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch vùng Công viên địa chất như thám hiểm hang động, leo núi thể thao, dù lượn, trekking…

Thúc đẩy du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn - Ảnh 2.

Nhiều hang động độc đáo, chứa các di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (Bình Gia), di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn), hang Gió (Chi Lăng), hang động Nhị - Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn), hang Dơi…

Công viên địa chất Lạng Sơn có phạm vi thuộc 8 huyện, thành phố: Bắc Sơn, Chi Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn với tổng diện tích gần 4.900 km2. Công viên địa chất Lạng Sơn có chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng" bao gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch gồm "Khám phá Thế giới Thượng ngàn"; "Hành trình về miền Thiên giới"; "Cuộc sống dân dã nơi trần thế" và "Đường đến Thuỷ cung".

Ông Nguyễn Đặng Ân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết phát triển du lịch địa chất là một hướng đi mới, tạo đột phá đối với ngành du lịch của tỉnh, tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, môi trường,… là giải pháp hiệu quả nhằm góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thúc đẩy du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn - Ảnh 3.

Vùng Công viên địa chất Lạng Sơn được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn

“Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch tại các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn, khẳng định những tiềm năng, giá trị mang tầm quốc tế về di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, từ đó sẽ tập trung trong công tác xúc tiến quảng bá, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng giá trị của Công viên địa chất toàn cầu.

Thực tế tại các tỉnh đang triển khai Công viên địa chất toàn cầu như Hà Giang, Cao Bằng, chúng tôi thấy rằng nhiệm vụ trọng tâm để khẳng định sự phát triển của Công viên địa chất toàn cầu chính là gia tăng sự bền vững cho cộng đồng gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất. Đây là hướng đi mới, đột phá cho phát triển du lịch và phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn”, ông Nguyễn Đặng Ân cho biết.

Vào ngày 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×