Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thúc đẩy du lịch Hải Phòng phát triển: Cần có cơ chế vượt trội

21/10/2024 | 09:44

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng vừa giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024 tại các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Kết quả giám sát cho thấy, để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thực hiện các cơ chế, chính sách mạnh hơn, hiệu quả rõ nét hơn.

    

Thúc đẩy du lịch Hải Phòng phát triển: Cần có cơ chế vượt trội - Ảnh 1.

Khách du lịch nước ngoài tham quan đảo Cát Bà (huyện Cát Hải). Ảnh: Phan Tuấn

Nỗ lực trong gian khó

Thông tin với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Trần Khắc Kiên cho biết, để phát triển du lịch địa phương, đóng góp chung cho du lịch Hải Phòng, quận thực hiện một số giải pháp sáng tạo, đột phá. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, UBND quận tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ đoạn từ ngã ba Con Hươu đến nhà nghỉ Ngô Quyền thuộc tuyến đường Vạn Hương (ở khu 2) trong khoảng thời gian từ 17 đến 23 giờ các ngày cuối tuần và ngày lễ từ 29-4 đến hết 2-9. Đồng thời, đưa bãi tắm biển Vụng Hương với quy mô đầu tư 97,75 ha áp dụng công nghệ lọc nước biển tiên tiến vào hoạt động để giảm tải cho các bãi tắm tự nhiên...

Còn tại huyện Cát Hải tập trung xây dựng thương hiệu “Cát Bà xanh” thành thương hiệu đặc quyền, từng bước xây dựng đảo ngọc thành trung tâm du lịch sinh thái rừng - núi - biển - đảo của cả nước và quốc tế; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái tại các xã, thị trấn và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và sức cạnh tranh của du lịch Cát Bà. Huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng; đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp; ưu tiên và kêu gọi đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng nhà điều hành tham quan vịnh… “Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới tạo cơ hội lớn để huyện phát triển du lịch bền vững”, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của HĐND thành phố mới đây, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thương Huyền cho biết, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2017 của HĐND thành phố, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đề cao và thực hiện tốt thông điệp tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Sở tham mưu với UBND thành phố tập trung hoàn thiện những công trình, dự án trọng điểm. Từ đó, đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư tốt nhất cả nước với sự góp mặt của hàng loạt các “tên tuổi” lớn trong lĩnh vực phát triển du lịch, như: Vingroup, Sun Group, Flamingo, BRG. Giai đoạn 2017-2023 có sự dịch chuyển rõ nét trong cơ cấu sản phẩm du lịch, hình thành và phát triển thêm 5 sản phẩm mới, trong đó du lịch ẩm thực (foodtour).

 Sớm ban hành các cơ chế, chính sách

Qua giám sát thực tế tại các sở, ngành, địa phương, mặc dù lượng khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng những tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023, song dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, du lịch nội địa với mục tiêu là thị trường phía Nam (các địa phương có đường bay thẳng tới Hải Phòng) dự báo sẽ bị ảnh hưởng do một số đường bay đi, đến Sân bay quốc tế Cát Bi dừng hoặc giảm tần suất khai thác, giá vé máy bay sau dịp Tết Nguyên đán 2024 tăng cao khiến du khách chuyển hướng lựa chọn tới những điểm đến gần hơn để tối ưu chi phí. Hệ thống lưu trú trên địa bàn thành phố thời gian qua có tốc độ tăng trưởng khá tốt, phần lớn là các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao, tuy nhiên, lại tập trung nhiều ở khu vực trung tâm thành phố, còn ở hai trọng điểm du lịch là Đồ Sơn, Cát Bà lại thiếu hụt cơ sở lưu trú cao cấp. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa song chưa được giải quyết đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tại 2 khu du lịch; còn tình trạng ùn tắc cục bộ tại bến phà Gót vào những dịp cao điểm…

Để thúc đẩy phát triển du lịch thành phố trở thành một trong 3 trụ cột, đột phá chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, Đoàn giám sát nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Sở Du lịch và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đến các cơ chế, chính sách. Trong đó, đề xuất với Trung ương phân cấp cho Hải Phòng thực hiện thẩm định, công nhận hạng mục lưu trú du lịch hạng 4 sao, hạng 5 sao và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Để phù hợp mục tiêu và định hướng phát triển du lịch Đồ Sơn thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế, đề nghị Chính phủ xem xét phương án sắp xếp, bàn giao các cơ sở lưu trú hiện do các bộ, ngành quản lý về địa phương để tạo dư địa phát triển; sớm cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ hỗ trợ ngành du lịch sau bão số 3… Đối với thành phố, chỉ đạo xây dựng chính sách mới về hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay mới đi, đến Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi để thu hút khách du lịch; ban hành, triển khai 4 nhóm cơ chế, chính sách lớn hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết 15/2017 của HĐND thành phố, gồm: thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch; khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ, nghiên cứu phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Theo Báo Hải Phòng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×