Thừa Thiên Huế: Xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa
10/04/2020 | 11:20Xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với vị thế; Những bước phát triển đáng ghi nhận của các thiết chế cơ sở; Triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại năm 2020 là những thông tin tiêu biểu tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.
Thừa Thiên Huế: Xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa
Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân.
Các Trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường được hình thành và đã hoạt động tích cực. Hiện nay, huyện Nam Đông và A Lưới đã có hàng chục nhà Gươl, đây là những cơ sở sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất hiệu quả. Huyện Quảng Điền gắn với dự án xây dựng huyện điểm văn hóa đã hình thành nhiều thiết chế hoạt động văn hóa cộng đồng. Đây là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao có ý nghĩa và thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh gồm hệ thống thư viện, phòng đọc; nhà văn hóa cấp huyện, cấp xã và nhà sinh hoạt cộng đồng ở làng (thôn, bản), tổ dân phố.
Đến nay toàn tỉnh có 09 Trung tâm Văn hóa (Nhà Văn hóa) đạt tỷ lệ 100%; 135 nhà văn hoá cấp xã trên tổng số 152 xã, phường với tỷ lệ 88,8%; 965 nhà sinh hoạt cộng đồng cấp làng (thôn, bản), tổ dân phố trên tổng số 1.373 làng (thôn, bản), tổ dân phố toàn tỉnh, đạt tỷ lệ 70,2%. Đây là các thiết chế đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa các chủ trương chính sách của nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh đã góp phần chuẩn hóa hệ thống thiết chế văn hóa cả về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động.
Công tác tập huấn tổ chức hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng cho các địa phương được Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên triển khai. Mỗi năm ít nhất một đợt tập huấn toàn tỉnh và 2 đến 3 đợt cho các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa.
Cùng với đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng đã không ngừng phát huy hiệu quả. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được tập trung triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa Huế, truyền thống văn hóa của người dân Cố đô. Đến nay, có 11.237/11.277 làng (thôn, tổ dân phố) được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,2% so với tổng số; 1.117/1.367 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 89% so với đăng ký (1.262 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa); có 254.210 gia đình được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,86% so với đăng ký.
Quảng Bình: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã có những bước phát triển đáng ghi nhận
Thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, rèn luyện thể chất của nhân dân và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở đã tích cực tổ chức các liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, hội thao. Các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở luôn có sự đổi mới linh hoạt về nội dung, hình thức. Từ những hoạt động này, thiết chế văn hóa – thể thao khẳng định được vai trò quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là nơi giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao cho hệ thống Nhà Văn hóa – Khu thể thao cơ sở.
Hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã phát huy hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Các đơn vị như Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng, Đoàn nghệ thuật truyền thống, Trung tâm văn hóa tỉnh hàng năm tổ chức các buổi biểu diễn, chiếu phim phục vụ nhân dân trong toàn tỉnh đặc biệt là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo… Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hàng năm các thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân với chất lượng nghệ thuật ngày càng cao.
Hệ thống thiết chế cấp huyện đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú phục vụ nhân dân vào dịp mừng Đảng – mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện của huyện, thị xã, thành phố. Chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cơ sở từng bước được nâng lên thông qua mô hình hoạt động các câu lạc bộ. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện cũng như tham gia đầy đủ các hội thi, liên hoan cấp tỉnh, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia biểu diễn, thi đấu, cổ vũ, góp phần làm phong phú đời sống nhân dân.
Ngoài những hoạt động thường xuyên, phổ cấp, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh còn tổ chức các câu lạc bộ chuyên đề, đội, nhóm (câu lạc bộ thơ, văn, võ thuật, khiêu vũ, nhiếp ảnh…), thu hút đông đảo hội viên tham gia, qua đó tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay thúc đẩy sự phát triển văn hóa, thể thao trong quần chúng nhân dân.
Quảng Trị: Triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại năm 2020
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2020, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại. Theo đó, tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ giao lưu với các nước trong khu vực, tham gia quảng bá du lịch và các giá trị di sản văn hóa tỉnh Quảng Trị.
Đồng thời nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển du lịch theo Nghị quyết chuyên đề số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phối hợp tổ chức khai thác hiệu quả tuyến du lịch quốc tế 03 nước Hành lang kinh tế Đông – Tây qua Quốc lộ 9, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Ddenssavan, tuyến Quốc lộ 15D, Cửa khẩu quốc tế La Lay kết nối các Cửa khẩu quốc tế Lào – Campuchia; Tăng cường xúc tiến, quảng bá, liên kết với các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây để phát triển du lịch.
Ngoài ra, tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch; Xây dựng các điểm đến, thực hiện chương trình quảng bá sản phẩm điểm đến chung; Kết nối doanh nghiệp trên cơ sở mỗi bên cùng có lợi và tuân thủ luật pháp mỗi nước. Khuyến khích các cơ quan liên quan tăng cường tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện văn hóa, thể thao của 3 tỉnh và các hoạt động du lịch kết nối Lào – Thái Lan – Việt Nam để giao lưu hợp tác về văn hóa, thể thao; trao đổi, quảng bá các thông tin về du lịch với nhiều hình thức khác nhau.