Thừa Thiên Huế: Tập trung cơ cấu lại thị trường và sản phẩm du lịch
12/01/2021 | 14:42Với dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp, trong năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là thị trường khách và sản phẩm du lịch. Địa phương này xây dựng các chính sách, giải pháp kích cầu, phục hồi tập trung thị trường nội địa, và 1 số thị trường vực lân cận có khả năng sẽ nối lại đường bay.
Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình Phát triển văn hóa, du lịch- dịch vụ năm 2021. Trong đó, tỉnh này đưa ra chỉ tiêu của ngành du lịch trong năm 2021 với 3 kịch bản: phương án thấp, tức dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tốt trong nước và quốc tế, khả năng tỉnh sẽ đón khoảng 1,8 đến 2 triệu lượt khách (tương đương với năm 2020), doanh thu ước đạt khoảng 4.000- 4.400 tỷ đồng. Phương án trung bình với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cả nước nhưng nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa được an toàn, chưa thể mở các đường bay đến thị trường chính, chỉ kết nối với 1 số thị trường gần… thì dự kiến tỉnh này sẽ đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách (trong đó khách nội địa chiếm khoảng 80%), doanh thu du lịch ước đạt 6.500- 7.000 tỷ đồng. Phương án cao, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt ở trong nước và trên thế giới, ngành du lịch tỉnh này phấn đấu đón khoảng 4- 4,5 triệu lượt khách (khách nội địa 70-80%), doanh thu du lịch ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với nhận định và đánh giá của các chuyên gia về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, thì phương án trung bình là khả quan nhất và tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng các chính sách, giải pháp kích cầu, phục hồi xoay quanh phương án này.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai các cơ chế, gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Tỉnh kiến nghị đến các Bộ ngành, cơ quan trung ương về việc miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, giảm 50% tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, điều chỉnh giá điện, khoanh vùng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp lĩnh vực du lịch…
Nhằm hỗ trợ kích cầu phát triển du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di tích trong 6 tháng đầu năm 2021 để đánh giá tình hình; miễn phí tham quan các điểm di tích trong các sự kiện, dịp lễ đặc biệt. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị các ngành tham mưu để ban hành chính sách giảm trừ phí tham quan tại các điểm di tích nhằm kích cầu, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Huế.
Với xu hướng đẩy mạnh thị trường nội địa, UBND tỉnh đề nghị ngành du lịch cũng phối hợp các doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng tour tuyến mới, phù hợp với tình hình mới, nhất là các loại hình sản phẩm sinh thái, cảnh quan, điểm đến vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch nội địa, như khu vực đồi núi, suối thác và vùng biển, đầm phá có cảnh quan đẹp, kết nối giao thông thuận tiện. Công tác xúc tiến, quảng bá cũng tập trung vào khách du lịch nội địa đi theo nhóm nhỏ, ngắn ngày, thông qua các chương trình, hình thức quảng bá phù hợp trong tình hình mới. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến trên các trang mạng xã hội, website du lịch; quảng bá Huế- Kinh đô Ẩm thực, Huế- Kinh đô Áo dài; tổ chức cuộc thi ảnh “Huế trong tôi” theo từng chủ đề riêng biệt của mỗi tháng…
Việc phục hồi, kích cầu du lịch của tỉnh cũng sẽ được liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong nước để cùng phát triển, đặc biệt là liên kết 5 địa phương Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam- Quảng Ngãi- Bình Định với 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Trong năm 2021, dự kiến tỉnh này sẽ tổ chức nhiều sự kiện lễ hội văn hóa du lịch như: Festival Nghề truyền thống Huế (tháng 5.2021), Ngày hội Áo dài Huế, Lễ hội Ẩm thực, Lễ hội Lân, Hiphop, các giải đấu thế thao tầm quốc gia… Đặc biệt, cũng từ năm 2021, Thành phố Huế sẽ triển khai nhiều chương trình dịch vụ du lịch ban đêm nhằm phục vụ cộng đồng địa phương và du khách tham quan; trong đó, hình thành nhiều tuyến phố đi bộ và dịch vụ ở khu vực xung quanh Hoàng thành Huế, phố đi bộ ven 2 bờ sông Hương, chợ đêm Đông Ba, khai thác các dịch vụ ẩm thực Huế và trưng bày, giới thiệu các làng nghề truyền thống ở trục trung tâm Thành phố…
Cũng trong năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hướng đến du lịch không dùng tiền mặt thông qua việc phát hành Thẻ Du lịch Huế (Hue travel passport), với nhiều chương trình ưu đãi được tích hợp, nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ được thanh toán qua thẻ này. Đồng thời xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành một điểm đến du lịch thông minh, bền vững; tiếp tục các hạ tầng thiết bị, các kios du lịch thông minh, số hóa dữ liệu ngành du lịch và xây dựng một số ứng dụng du lịch thông minh; chú trọng các dịch vụ tiện tích cho điểm đến thông minh, trải nghiệm thông minh, quản lý- kinh doanh thông minh…