Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thừa Thiên Huế: Sản phẩm du lịch cần hướng đến chiều sâu

09/09/2022 | 11:20

Theo đánh giá của nhiều du khách và giới chuyên môn, nhiều sản phẩm du lịch ở Huế đang thiếu tính chiều sâu và kết nối.

Thừa Thiên Huế: Sản phẩm du lịch cần hướng đến chiều sâu - Ảnh 1.

Cần có những show diễn, chương trình để giới thiệu văn hóa Huế

Chưa chạm đến chiều sâu

Khi đi du lịch, du khách mong muốn có những khám phá, trải nghiệm trọn vẹn về vùng đất, điểm đến. Có thể đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ, song có tính khác biệt và trải nghiệm xứng đáng đã làm thành công cho một chuyến đi. Đối với Huế, văn hóa, di sản luôn là yếu tố quyết định để giúp thu hút khách du lịch. Nhưng phải đánh giá thẳng thắn rằng, sản phẩm đang dừng ở những bề nổi, chưa thể khám phá chiều sâu của “thế giới” di sản, văn hóa đồ sộ mà Huế đang sở hữu.

Ông Vũ Hoài Phương, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ, ông đã từng nhiều lần ngồi ở cửa Hiển Nhơn, lối ra của du khách sau khi tham quan Đại Nội xong. Mười khuôn mặt đi ra là cả mười tỏ ra vẻ mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa… Có những cảnh, người mẹ phờ phạc bồng con đi ra, bước những bước nặng nề để di chuyển ra khỏi Đại Nội và ra đến bãi đỗ xe. Bao nhiêu hứng khởi, khám phá mới, cảm nhận về hệ thống di sản thế giới đã “rơi rớt” dần trên quãng đường đó.

“Vì sao không khai thác dịch vụ xe điện bằng hình thức như “xe buýt” ngay trong Đại Nội để phục vụ khách? Vì sao không tặng cho khách một chai nước trong quá trình tham quan, dù giá dịch vụ có thể tăng thêm so với hiện tại. Đó là dịch vụ kèm theo, còn về mục đích chính khám phá di sản, Đại Nội đang thiếu yếu tố con người để tăng tính tương tác giữa du khách và di sản. Nếu khách vào tham quan di sản có hướng dẫn viên thì cơ bản cảm thấy hài lòng. Còn nếu khách tham quan, không có hướng dẫn viên thuyết minh, sẽ là cảm giác thất vọng khi ra khỏi Đại Nội, vì khách chỉ lướt qua bề nổi, chưa cảm nhận được chiều sâu của di sản, của văn hóa”, ông Phương phân tích.

Hướng dẫn viên Nguyễn Du, người đã có kinh nghiệm 30 năm với nghề cho rằng, với Huế không thể dừng ở những khám phá, những sản phẩm giải trí đơn thuần như nhiều địa phương khác đang khai thác. Những sản phẩm đó, có chăng chỉ mang tính bổ trợ, còn quan trọng là những sản phẩm văn hóa, di sản cần cho du khách biết những giá trị tinh thần ẩn sau tính truyền thống, vùng đất Cố đô, hơn là chỉ những giá trị vật chất hiện hữu.

Không chỉ có di sản, rất nhiều sản phẩm du lịch của Huế đang bộc lộ hạn chế là chưa giúp du khách chạm chiều sâu, những giá trị “cốt lõi” của điểm đến.

Tháng 6/2022, du lịch Huế có thêm sản phẩm mới là dịch vụ xe đạp chia sẻ. Du khách có thể lấy xe ở bất cứ các điểm và trả xe tùy thích ở các điểm mà không cần quay lại chỗ cũ. Sản phẩm này đang được đánh giá rất tốt vì tính tiện dụng và phù hợp với một đô thị di sản như Huế. Dù thế, nhiều góp ý cho rằng, sản phẩm chưa có tính hoàn chỉnh. Nếu như dịch vụ này có thêm một số trải nghiệm khám phá TP. Huế như hình thức “check – in” điểm đến, kết hợp đến các điểm tham quan, mua sắm; hay có sự kết hợp lại với phương tiện khác, như đạp xe lên Văn Thánh và trả xe ở đó, sau đó có dịch vụ di chuyển về trung tâm bằng đường sông, sẽ tăng tính hấp dẫn cho trải nghiệm. Ngoài ra, các yếu tố như thiếu đường dành cho xe đạp, phương án xe hư hỏng dọc đường, thời tiết… cũng cần tính đến để sản phẩm hoàn thiện.

Cần quy chuẩn

Các sản phẩm du lịch đang còn mang tính tự phát, chưa xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách. Có thể cảm quan mà đánh giá, đầm Chuồn gần trung tâm thành phố, có cảnh quan đẹp, dịch vụ ăn uống ngon… nhưng thử hỏi, có bao du khách khi đến Huế biết và chọn đầm Chuồn làm điểm đến. Đã có một kết quả khảo sát rằng, trong thị phần 100 khách đến có bao nhiều người chọn đầm Chuồn. Việc chưa nghiên cứu, đánh giá dẫn đến việc tổ chức sản phẩm thiếu bài bản, quy mô sản phẩm nhỏ, chưa tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Yếu tố quản lý Nhà nước chưa thể hiện rõ, sự đầu tư về hạ tầng, con người đều chưa rõ ràng.

Lý thuyết cạnh tranh trong du lịch được rút gọn trong hai yếu tố: chất lượng và sự khác biệt. Đó là lý thuyết, nhưng để đạt được chiều sâu hai yếu tố trong thực tiễn là điều không phải dễ dàng. TS. Trần Thị Mai, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh nói, qua nhiều năm theo dõi sự phát triển du lịch, cũng tham gia nhiều hoạt động đánh giá du lịch. Theo bà Mai, nhiều sản phẩm lần lượt ra đời, nhưng lại thiếu yếu tố cơ bản đầu tiên là nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các yếu tố cơ bản tác động đến để sản phẩm trọn vẹn; có thể chịu được những “va đập” của sự cạnh tranh, tác động của thiên tai, dịch bệnh, sự thay đổi về nhu cầu của du khách.

Yếu tố khác biệt là thế mạnh rất lớn của Huế trong cạnh tranh điểm đến so với yếu tố chất lượng còn lại. Một ví dụ điển hình cho sự khác biệt là nếu vào Đại Nội mặc áo quần bình thường tham quan sẽ rất khó để lại ấn tượng, mà thay vào đó mặc một bộ cổ phục đi ở hệ thống Trường Lang, hay chụp ảnh ở các góc của Đại Nội thì hoàn toàn khác, có thể đạt đến sự hoàn hảo. Đó là khía cạnh mà Huế cần hướng đến.

Ông Vũ Hoài Phương chia sẻ, thời gian qua bàn luận rất nhiều việc vé tham quan di sản Huế đắt và rẻ. "Đắt hay rẻ là tùy thuộc vào nội hàm có những gì. Theo tôi, với Đại Nội có thể thu hút 100 khách vào với mức giá 500 nghìn đồng, hơn là 250 khách với giá 200 nghìn đồng. Với Đại Nội cần phấn đấu dịch vụ làm sao mà du khách khi đến phải phấn đấu, phải thèm muốn vào cho bằng được. Muốn làm được điều đó thì nội hàm bên trong Đại Nội phải thay đổi, cần sớm tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Cần làm rõ được các vấn đề: tiêu chuẩn dịch vụ bên trong như thế nào, trải nghiệm sẽ như thế nào, trang phục phải như thế nào, dịch vụ ăn uống phải như thế nào… Sau khi đã tiêu chuẩn hóa một thời gian, sẽ xây dựng được một dòng khách ổn định và lâu dài".

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×