Thừa Thiên Huế: Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn thích ứng
29/11/2021 | 09:16Doanh nghiệp là chủ thể, triển khai các gói kích cầu. Khi doanh nghiệp sẵn sàng, quyết tâm thì du lịch Huế mới có thể thích ứng tốt.
Đồng lòng vượt khó
Dù chỉ là doanh nghiệp còn khá non trẻ trong lĩnh vực du lịch, chịu những tổn thất vì dịch bệnh suốt 2 năm qua, song khi được phát động kích cầu du lịch Cố đô trong trạng thái thích ứng mới, Công ty TNHH MTV Restour tham gia ngay. Cùng với các thành viên khác, doanh nghiệp này tích cực khảo sát tour mới, cùng bàn thảo, xây dựng tour và sẵn sàng các khâu để đón đoàn một famtrip đến Huế khảo sát, dự kiến vào trung tuần tháng 11 này.
Anh Trần Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Restour chia sẻ, làm du lịch mà không được phục vụ khách là điều thật sự rất khó chịu. Dịch bệnh gây ra khó khăn chung cho tất cả, nhưng giờ mà không chuẩn bị thì biết khi nào mới trở lại? Một là tiếp tục chờ đợi, hai là tìm kiếm cơ hội mới. Công ty chọn chủ động tìm cơ hội mới, dù biết cơ hội sẽ khó hơn rất nhiều so với thời điểm bình thường trước đây.
Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng. Hiện, khó tránh khỏi sự dè dặt, lo lắng về khả năng phục hồi của du lịch. Đó là tâm lý chung, vì mở rồi lại đóng sẽ tốn kém hơn khi vẫn đóng cửa.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khó khăn là thế, song một số doanh nghiệp rất quyết tâm trở lại khi được kêu gọi xây dựng các gói kích cầu. Thời điểm này, doanh nghiệp có đồng lòng, có quyết tâm mới cùng nhau vượt khó thành công. Hiệp hội đã hoàn thành kế hoạch đón đoàn famtrip từ Hà Nội vào khảo sát trong ít ngày tới. Từ đó, sẽ có những kết nối, hợp tác để đưa khách đến cho Huế trong thời gian sớm nhất, dựa trên những yêu cầu thích ứng an toàn. Các thành viên thống nhất quan điểm, nếu ai thấy khó thì “ngồi một bên” để các thành viên khác thực hiện, không bàn lùi trong thời điểm này.
Được biết, Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ trì, tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch với hình thức đa dạng, ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp... để hình thành gói kích cầu mang tính đồng bộ, thống nhất.
Lãnh đạo ngành du lịch đánh giá, vai trò của doanh nghiệp hiện tại là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp sẽ cụ thể hóa những mục tiêu, giải pháp kích cầu được ngành đặt ra. Do đó, quản lý ngành đang liên hệ rất chặt chẽ, cùng với các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu chung là thu hút khách và thích ứng an toàn, có quy trình khi đón khách nội địa và quốc tế trở lại.
Chuẩn bị tốt để trở lại
Theo ông Đinh Mạnh Thắng, để trở lại một cách mạnh mẽ nhất, doanh nghiệp rất cần tiếp tục nhận được những trợ lực. Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ nhanh nhất, thuận lợi nhất. Cần sớm ban hành chính sách giảm 50% phí tham quan cho tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham quan, tìm hiểu tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa trong năm 2022; sớm ban hành chính sách “hoa hồng” cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan các điểm di tích trên địa bàn tỉnh…
Theo các doanh nghiệp, yếu tố quan trọng không kém là Nhà nước hỗ trợ tạo môi trường du lịch an toàn bằng tiêm vắc-xin và các điều kiện để du lịch thích ứng tốt. Lâu nay các cơ sở, điểm đến, hạ tầng bị xuống cấp, nay cần chỉnh trang, nâng cấp lại. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá ở các hội chợ, sự kiện, các kênh truyền hình. Hỗ trợ đào tạo lại một cách bài bản nhân lực du lịch… để doanh nghiệp cảm thấy tự tin, với tâm thế tin tưởng vào sự phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, Sở đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh phát triển một số loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe để thích ứng. Đồng thời, về kế hoạch lâu dài hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường, như dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...
Một giải pháp nữa là đẩy mạnh hợp tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch nhằm hỗ trợ và nâng cao các điểm đến du lịch để đón khách trong trạng thái bình thường mới. Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau. Đặc biệt, hình thành khối liên minh các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu.
Trong cuộc làm việc với các doanh nghiệp để bàn kế hoạch thích ứng mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ khó khăn, động viên khi thấy doanh nghiệp không được mạnh mẽ, “khí thế” như những lần bàn kế trước đó.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, khác với những lần trước chuẩn bị nhưng không triển khai, trong giai đoạn thích ứng này các giải pháp chắc chắn được triển khai và thực hiện. Hiện tại rất cần sự đoàn kết, hợp sức của toàn thể ngành du lịch, cùng chuẩn bị tốt và tính toán thời điểm để tổng lực cho sự trở lại mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Quan điểm của tỉnh là cần nhanh, nhưng không vội nên cần có sự chuẩn bị tốt nhất. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa, để doanh nghiệp thêm tự tin trở lại.