Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể

30/08/2023 | 11:25

Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh. Ngoài di sản vật thể, vùng đất Cố đô sở hữu kho tàng di sản văn hoá phi vật thể phong phú, độc đáo. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước.

Du thuyền rồng và nghe ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch độc đáo luôn hấp dẫn du khách khi đến Cố đô Huế. Du khách thả hồn bềnh bồng trên dòng Hương giang, ngắm nhìn cầu Trường Tiền, cảnh sắc thành phố đôi bờ về đêm; đắm chìm trong thanh âm của các loại nhạc cụ truyền thống, câu hát, điệu hò xứ Huế… Ông Nguyễn Thanh Toàn, du khách ở tỉnh Bắc Giang rất thích thú khi cùng gia đình đi thuyền rồng, nghe ca Huế và thả hoa đăng trên sông Hương.

Ông Toàn nói: “Trong chuyến du thuyền này, tôi được thưởng thức những nét văn hoá của người Huế, các giai điệu, làn điệu của ca Huế qua các diễn viên. Đây chính là sản phẩm tinh thần truyền thống của nhân dân Huế đã lưu truyền đến tận bây giờ, giữ được tài sản văn hoá rất ý nghĩa, một nét Huế rất riêng”.

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 1.

Du khách thích thú khi ngồi thuyền rồng, nghe ca Huế trên sông Hương

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 2.

Các hoạt động trưng bày, triển lãm góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hoá Huế

Ca Huế, một sản phẩm văn hoá du lịch độc đáo đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" năm 2015 đang được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể này, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng ca Huế gắn với phát triển du lịch cộng đồng…

Ngoài ca Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể khác. Thông qua các kỳ Festival, nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đậm bản sắc văn hoá Huế được phục dựng, qua đó công chúng và du khách biết đến nhiều hơn. Đó là Nhã nhạc Cung đình, Ca kịch Huế, Tuồng, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số Tà Ôi, Cơ Tu, các Lễ hội Cầu Ngư, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc…

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 3.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thường xuyên luyện tập, bảo tồn Nhã nhạc Cung đình

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 4.

Đưa di sản phi vật thể gần hơn với công chúng thông qua nhiều hoạt động triển lãm

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận: “Trước đây, chúng ta mới chủ yếu quan tâm nhiều đến các di sản vật thể, mức độ đầu tư cho di sản phi vật thể, di sản tư liệu ít hơn rất nhiều so với những gì lẽ ra nó được có. Không chỉ đầu tư cho việc bảo tồn mà chúng ta cần chú ý phát huy giá trị di sản một cách hợp lý. Trong đó, có vấn đề rất quan trọng như là đầu tư cho hệ thống thiết chế để khai thác giá trị di sản. Chúng ta tạo ra các môi trường để khai thác như các trung tâm, các bảo tàng, thư viện, nhà hát,… để phát huy tốt giá trị. Du khách khi đến Huế thì cần phải có nơi để xem, chiêm nghiệm hoặc trả tiền…”.   

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 5.

Nhiều hoạt động văn hoá được xã hội hoá góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 6.

Biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế sở hữu nhiều di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh như: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt… Di sản văn hoá Huế hội tụ, kết tinh nhiều loại hình lễ hội, làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên độc đáo… Việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá, lễ hội, đa dạng hoá các sản phẩm, du lịch, dịch vụ gắn với các các di tích trên địa bàn ngày càng khẳng định nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản. Huế được biết đến với các danh hiệu “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế được du khách lựa chọn là điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”...

Thừa Thiên Huế: Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể - Ảnh 7.

Thừa Thiên Huế nỗ lực bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá thông qua các kỳ Festival

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hoá, du lịch của cả nước trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Huế. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được địa phương hết sức quan tâm. Chúng tôi đang tiến hành các giải pháp để làm sao chúng ta vừa làm tốt công tác bảo tồn nhưng đồng thời phải vừa phát huy được giá trị di sản, phát huy nền văn hoá truyền thống của Thừa Thiên Huế, xứng đáng trở thành Trung tâm văn hoá của cả nước”.

Theo VOV.VN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×