Thừa Thiên Huế: Nắm bắt xu hướng du lịch tại chỗ
16/03/2021 | 07:45Du lịch tại chỗ (staycation), hay còn được biết đến là du lịch gần nhà được cho là xu hướng nổi bật trong năm 2021. Chủ động tạo ra các dịch vụ, giá trị mới phù hợp với nhu cầu là yêu cầu được đặt ra.
Có nguồn khách nếu khai thác tốt
Theo Sở Du lịch, tín hiệu tích cực thời gian qua về du lịch tại chỗ diễn ra ở nhiều thị trường, với việc người dân có xu hướng đi du lịch gần địa điểm cư trú. Với sự lên ngôi của du lịch tại chỗ sẽ thúc đẩy nhu cầu về các hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên và du lịch nông thôn. Các chuyên gia cũng đề cập tới cơ hội không thể tốt hơn của các xu hướng du lịch chậm và du lịch cộng đồng, hướng tới những trải nghiệm chân thực, trách nhiệm và bền vững.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vừa qua, có gần 13.000 lượt khách lưu trú ở các khách sạn, điểm nghỉ dưỡng tại Huế (tính trong 7 ngày nghỉ lễ). Điều đáng chú ý là trong gần 13 lượt khách lưu trú đó, có đến 50% là khách trong tỉnh. Điều này thể hiện vai trò của khách du lịch tại chỗ nếu khai thác tốt.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, điều này càng khẳng định một điều rằng, nguồn khách trong tỉnh có nhu cầu đi du lịch là đáng kể và xu hướng thích đi những điểm đến gần, trong tỉnh hơn là đi xa. Những chuyến đi có thời gian ngắn và bằng hình thức tự túc, không thông qua lữ hành là chủ yếu.
Trước đó, để nắm bắt xu hướng du lịch tại chỗ, trong năm 2020, ngành du lịch đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển xu thế du lịch tại chỗ dành cho chính người dân tại địa phương, nhằm khuyến khích người địa phương tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm các điểm đến văn hóa, lịch sử, cảnh quan và dịch vụ mới trong khu vực mình đang sinh sống. Đây cũng là giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và các nhóm cộng động ở địa phương phục hồi do dịch bệnh. Các chương trình, sản phẩm trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi, tăng thêm tiện ích và dịch vụ gia tăng cho khách, nhất là các điểm đến sinh thái, khách sạn cao sao ở nội đô, khu nghỉ dưỡng vùng ngoại ô TP. Huế cũng được triển khai.
Một điều được ghi nhận thời gian qua, khách lưu trú chủ yếu tập trung ở các điểm nghỉ dưỡng, resort ven biển, vùng ngoại ô, ở Lăng Cô, Thuận An, Phú Lộc, TP. Huế… Trong khi đó, khách đi tham quan chủ yếu đến những địa điểm hướng về thiên nhiên, điểm “check- in” mới.
Đại diện Khu nghỉ dưỡng Làng Hành hương (TP. Huế) thông tin, trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, khu nghỉ dưỡng đạt công suất 50%, giảm sâu so với năm ngoái, song đó là con số đáng mừng trong giai đoạn hiện tại. Chính khách nội tỉnh đã giúp khu nghỉ dưỡng đạt con số đó. Nhằm thu hút khách hơn trong thời gian đến, resort áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi và thay đổi liên tục theo từng đợt, từng tuần ngắn hạn; áp dụng chính sách thu hút khách bằng áp dụng khuyến mãi giờ chót, bởi nhiều khách có nhu cầu tức thời hơn, trưa đặt phòng chiều đến nghỉ dưỡng.
Đáp ứng được nhu cầu
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huetourist phân tích, sự lo lắng về sự tiếp xúc, gần gũi giữa người với người và nhu cầu tránh không gian đông đúc là yếu tố được nhấn mạnh. Nếu khách du lịch lựa chọn các điểm đến thiên nhiên, điều này sẽ không gây ngạc nhiên, vì hình thức du lịch này sẽ cho phép họ kết hợp sự giãn cách xã hội một cách an toàn. Hơn nữa cũng đóng góp trách nhiệm đến các khu vực tự nhiên, bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi của người dân địa phương.
Theo ông Hào, đối tượng khách du lịch giới trẻ chiếm tỷ lệ ngày càng cao vì họ chọn du lịch là một cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả với những người gặp nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống. Trước đây, các bạn trẻ ưa thích loại hình du lịch tận hưởng, nghỉ dưỡng tại khu sinh thái cao cấp, địa điểm đầu tư xây dựng quy mô, tích hợp nhiều trò chơi hiện đại. Tuy nhiên, tâm lý nhiều bạn trẻ những năm gần đây thích đi “check-in” và khám phá những địa điểm hoang sơ, cổ kính và xa thành phố.
Hơn thế nữa, nguồn khách du lịch hiện nay là dòng khách cao cấp, có khả năng chi trả do đó cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, công tác, kết hợp du lịch cao cấp, cá nhân hóa cao. Nhiều du khách lựa chọn đi du lịch thời điểm này là giá dịch vụ giảm sâu so với trước. Từ những yếu tố đó, Huế cần định vị nguồn khách tại chỗ một cách rõ ràng trong giai đoạn này, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các định vị gắn với văn hóa địa phương để tăng số ngày lưu trú, tăng chi tiêu của du khách tại các điểm đến.
Ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, thời gian qua, ngành du lịch đã làm việc với các doanh nghiệp để định hướng xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ để thu hút dòng khách tại chỗ. Các điểm đến về du lịch cộng đồng, biển và đầm phá, trải nghiệm không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại, mô hình du lịch homestay tiếp tục được mở rộng phát triển và hoàn thiện hơn. Trong đó, tour du lịch tâm linh kết hợp với nghỉ dưỡng sẽ được khai thác mạnh trong thời gian đến để hướng đến xu hướng du lịch và sức khỏe. Các điểm du lịch sinh thái, nhất là suối thác cũng sẽ hoàn thiện, đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch khi khai thác trong những tháng tiếp theo. Không chỉ khách trong tỉnh, ngành du lịch cũng đang phối hợp với các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình xây dựng tour chung, trao đổi nguồn khách cho nhau.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, xét về yếu tố phát triển vĩ mô cho điểm đến cần khai thác được nhiều thị trường khác ở bên ngoài. Do đó, song song khai thác du lịch tại chỗ, điều cần thiết hiện tại, ngành du lịch cũng sẽ tập trung các giải pháp, chuẩn bị các sản phẩm để sẵn sàng khai thác khách nội địa và quốc tế khi du lịch bình thường trở lại.