Thừa Thiên Huế: Không ngừng làm mới sản phẩm du lịch
05/07/2023 | 09:32Phát huy tiềm năng, bản sắc độc đáo của mỗi địa phương để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch là hướng đi đúng. Song, trước bối cảnh có những thách thức to lớn đòi hỏi sự chuyển mình vận động để tồn tại và phát triển, các điểm du lịch cần phải thay đổi cách tiếp cận, các quan điểm trong phát triển để thu hút khách.
“Món cũ, ăn hoài cũng ngán”
Về cầu ngói Thanh Toàn những ngày cuối tuần, khá mừng là chợ đêm đang hoạt động thu hút khách rất tốt. Các gian hàng ẩm thực, hoạt động trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản ở khu vực chợ, dọc bờ sông gần cầu ngói luôn nườm nượp khách. Ở các bãi giữ xe, cùng với lượng xe máy khá lớn, còn có nhiều ô tô biển số ngoại tỉnh ghé thăm, tham quan, trải nghiệm. Theo ước tính của địa phương, mỗi đêm trung bình chợ đêm ở đây đón 3.000 - 5.000 lượt người dân, du khách.
Những tín hiệu tích cực từ việc khai thác thế mạnh về di tích, tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách đã được minh chứng ở xã Thủy Thanh, hay các điểm đến ở du lịch vùng cao A Lưới cùng nhiều địa phương khác. Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực, nhiều nỗi lo cũng đi kèm nếu việc làm mới sản phẩm du lịch không thường xuyên được duy trì.
Đặt câu hỏi cho 5-7 vị khách về sự trở lại chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời ngắn gọn, nhưng đủ ý: “Sẽ quay lại nếu có cái mới”. Có du khách lại giải thích: “Chợ đêm ở đây tổ chức 3 ngày cuối tuần. Mình về nhiều lần để trải nghiệm, nhưng thứ sáu cũng như chủ nhật; tuần sau cũng như tuần trước thì khó kéo khách trở lại nhiều lần. Món cũ, ăn hoài cũng ngán”.
Điểm du lịch khi đang đông khách cũng tồn tại nỗi lo, đó là làm sao duy trì, giữ chân khách và thu hút khách trở lại. Nhìn vào phố đêm Hoàng thành sau hơn một năm khai trương, nay vắng bóng khách là thực tế đáng trăn trở. Nhiều người dân, du khách đưa ra nhiều cách giải thích, nhưng phần đông ý kiến đề cập đến việc thiếu những điểm nhấn, sự mới lạ trong sản phẩm du lịch để hút khách.
Theo các chuyên gia về du lịch, nếu như trước đây, quan điểm về phát triển sản phẩm du lịch là dựa trên tài nguyên và các nhà cung ứng đóng vai trò chủ động, thì hiện nay quan điểm này đã thay đổi. Đó là cách tiếp cận dựa trên trải nghiệm của du khách, trong đó khách du lịch không còn là những khán giả chỉ biết ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên hay lắng nghe giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử mà đã trở thành người nắm vai trò chủ động trong các chuyến đi, trải nghiệm. Cũng vì thế, việc xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch phải được quan tâm.
Trong một nghiên cứu về du lịch (Nghiên cứu TripBarometer - trên Tripadvisor) với những thông số về xu hướng du lịch chính trong nhiều năm gần đây từng cho thấy, xu hướng hàng đầu của du khách là tìm kiếm trải nghiệm mới. Vì thế, từ góc độ cung ứng du lịch, các điểm đến cần phải quan tâm hơn đến tính trải nghiệm và tính kết nối trong hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch của mình để sáng tạo, đa dạng hơn, tạo ra tính bản sắc, độc đáo nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến.
Thay đổi để đáp ứng
Với thiên nhiên ưu đãi và những thế mạnh đặc trưng, Thừa Thiên Huế chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Để phát triển du lịch, cần sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, gắn kết giữa chính quyền địa phương - doanh nghiệp - các điểm du lịch, công tác truyền thông, nhưng quan trọng không kém là việc làm mới sản phẩm du lịch tại các điểm, khu du lịch.
Theo bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Thủy, vẫn còn nhiều trăn trở trong công tác phát triển du lịch cộng đồng tại điểm du lịch. Có khá nhiều ý tưởng để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, đơn cử ở Thủy Thanh. Nhưng, nguồn nhân lực còn mỏng, nỗ lực từ cộng đồng làm du lịch có người còn chưa toàn tâm toàn ý, thiếu doanh nghiệp trực tiếp tham gia làm du lịch tại địa phương… Vì thế, tiềm năng nhiều nhưng chưa phát triển đa dạng các trải nghiệm, sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, khó khăn sẽ tiếp tục luẩn quẩn nếu việc thay đổi chậm trễ. Khi giải quyết được bài toán thu hút khách, thì sự mời gọi doanh nghiệp, sự tham gia của người làm du lịch cộng đồng sẽ tích cực hơn, từ những lợi ích chung mang lại. Nói cách khác, yếu tố cung - cầu luôn được lựa chọn làm “hệ quy chiếu” trong từng giai đoạn phát triển của du lịch, ở đó, sản phẩm vẫn là yếu tố tiên quyết để giúp thu hút khách.
Ngoài việc thường xuyên khảo sát ý kiến du khách, các điểm du lịch cũng phải chủ động xây dựng các chương trình, đổi mới chất lượng, nội dung và cả các trải nghiệm để tạo sự đa dạng. Trên nền tảng những hoạt động có sẵn, cần hình thành một số sản phẩm du lịch, hoạt động mang tính điểm nhấn và có sự thay đổi theo thời gian để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cái mới của du khách.