Thừa Thiên Huế: Đón đầu mùa cao điểm du lịch
04/04/2024 | 09:56Sắp bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, điểm du lịch cộng đồng đang làm mới sản phẩm du lịch, hoàn tất các điều kiện đón tiếp, phục vụ khách. Với nhiều sản phẩm mới, du lịch Cố đô Huế hứa hẹn sẽ bùng nổ về lượng khách mùa cao điểm.
Hoàn thiện sản phẩm
Ngay trong tháng 3/2024, du lịch Huế chính thức đưa vào hoạt động 2 sản phẩm du lịch mới với nhu cầu của du khách rất lớn, đó là khai thác đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung”, nối liền 2 địa phương Huế - Đà Nẵng và mở bán tour du lịch chăm sóc sức khỏe được khai thác một cách bài bản.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc đưa vào khai thác đoàn tàu “Kết nối di sản miền Trung” là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của 2 địa phương và là sản phẩm mới, mở đầu cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch mà Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới. Đối với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, tour du lịch này lấy sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm chủ đạo, gắn kết với tham quan, khám phá di sản, văn hóa ở Huế. Sự ra đời của 2 sản phẩm du lịch mới là quá trình nghiên cứu, làm việc giữa các địa phương, ban ngành rất kỹ lưỡng.
Tháng Ba được xem là thời điểm “nước rút” để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú hoàn tất các điều kiện đón tiếp, phục vụ khách trước khi bước vào mùa cao điểm. Với dự báo lượng khách sẽ tăng cao trong năm 2024, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm du lịch đều có sự đầu tư về hạ tầng dịch vụ, đồng thời làm mới và hoàn thiện sản phẩm để giới thiệu đến du khách.
Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế chia sẻ: “Với các xu hướng du lịch hiện nay, năm 2024, chúng tôi tập trung hoàn thiện và khai thác 2 sản phẩm du lịch mới và du lịch xanh, du lịch chữa lành. Đối với du lịch xanh, sẽ hướng đến sử dụng các phương tiện không gây ô nhiễm như xe đạp, xe máy điện, ô tô điện; đi khám phá các điểm thiên nhiên, những cánh rừng nguyên sinh ở A Lưới. Tour sẽ được thiết kế để hướng đến sự hài lòng và trải nghiệm của du khách. Đối với du lịch chữa lành, sẽ gắn với các chương trình thiền ở các chùa của Huế”.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, trong dịp hè năm nay, dự kiến sẽ có 2 khu nghỉ dưỡng ở Vinh Thanh và Lăng Cô đi vào hoạt động. Các cơ sở lưu trú cũng đã rà soát lại cơ sở vật chất, tiến hành sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng, kiểm tra hệ thống an ninh, phòng cháy, chữa cháy đảm bảo hoạt động tốt.
Bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm, để hút khách đến Huế, các đơn vị cũng tung ra các chương trình kích cầu, giới thiệu sản phẩm mới đến du khách. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, ngay đối với sản phẩm tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, có đến gần 30 đơn vị, doanh nghiệp đồng hành tổ chức các gói khuyến mãi dịp khai trương, điển hình như giảm 50% giá vé xe buýt 2 tầng; giảm 10% tour Trà chiều trên sông Hương; giảm giá 20% tour ghép vườn Thủy Biều, tour chiều trên phá Tam Giang và tour Rú Chá - Icon beach (Quảng Công)…
Điểm du lịch sẵn sàng đón khách
Năm 2024, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3,5-4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, việc chuẩn bị và công tác quảng bá, xúc tiến để hút khách mùa cao điểm du lịch đặc biệt quan trọng.
Tại các địa phương, công tác chuẩn bị, hoàn thiện dịch vụ để đón khách cũng được triển khai sớm. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc cho biết, Phú Lộc đang triển khai các đề án, trong đó có đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm trên đầm Cầu Hai. Bên cạnh đó, tranh thủ các sản phẩm mới của tỉnh như chuyến tàu kết nối Huế - Đà Nẵng hay di tích Hải Vân Quan trùng tu cơ bản xong, huyện Phú Lộc tăng cường quảng bá để thu hút khách trải nghiệm. “Phú Lộc nổi bật với việc phát triển các điểm du lịch mang tính cộng đồng, sông suối, khe hồ. Trước khi bước vào mùa cao điểm du lịch, các điểm du lịch đã khôi phục, làm mới cơ sở hạ tầng, tăng chất lượng dịch vụ để đón khách”, ông Chung thông tin.
Dự báo thời gian tới, Huế sẽ bước vào giai đoạn nắng nóng, sức hút du lịch biển, hồ, sông, suối lớn nên các địa phương, điểm du lịch cộng đồng, cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng đầu tư nhiều hơn. Theo ông Võ Đức Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, năm nay, các bãi biển của xã Quảng Công đầu tư thêm 5-6 nhà hàng kinh doanh phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách. Nguồn hải sản trực tiếp từ nguồn đánh bắt của ngư dân địa phương, đây cũng là sẽ là nét đặc trưng để giới thiệu và hấp dẫn du khách. Địa phương đang xúc tiến, nỗ lực để các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sẵn sàng phục vụ khách từ trước dịp lễ 30/4, 1/5.
Tại huyện vùng cao A Lưới, sau thời gian thi công làm đường vào suối ở Hồng Hạ, du lịch suối thác ở địa phương này sẽ phục vụ khách trở lại. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, tại các điểm du lịch cộng đồng, hệ thống lán trại bằng tranh, tre, nứa, lá sẽ được nâng cấp, sửa sang. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng phục dựng một số nghề truyền thống, đưa vào khai thác du lịch như gốm, điêu khắc của người đồng bào. Bên cạnh đó, đối với các chợ phiên cũng gắn với các sự kiện, lễ hội, tái hiện lại những nét văn hóa độc đáo để hấp dẫn du khách./.