Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thư viện hè: Mở rộng hình thức, khích lệ đam mê đọc sách cho thiếu nhi

19/06/2018 | 14:38

Trong mùa hè 2018, hệ thống thư viện trên cả nước đã mở rộng các hình thức phục vụ, khuyến khích thiếu nhi đọc sách.

Đây là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL về việc Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ thiếu nhi của hệ thống thư viện công cộng.

Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ

Nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin cho trẻ em và triển khai có hiệu quả các đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 753 /BVHTTDL-TV yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ thiếu nhi.

Thiếu nhi tham gia CLB Khoa học ứng dụng-STEM tại Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng

Theo đó các thư viện tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách dành cho thiếu nhi. Cùng với đó là nâng cao chất lượng công tác xây dựng vốn tài liệu dành cho thiếu nhi, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện, chú trọng bổ sung sách tham khảo, sách văn học và sách hướng dẫn kỹ năng sống; tăng cường phục vụ lưu động và luân chuyển sách, báo phục vụ thiếu nhi; sáng tạo, linh hoạt trong việc tạo không gian, môi trường văn hóa thân thiện, sân chơi bổ ích và lý thú cho thiếu nhi đọc và học phù hợp với thời gian học tập, đặc biệt thời gian nghỉ hè. Bên cạnh đó thư viện cũng triển khai các dịch vụ mới và làm mới các dịch vụ truyền thống, chú trọng phát triển các dịch vụ tăng cường hỗ trợ học tập và kỹ năng sống cho thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi; huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, ngay từ đầu Quý II, các hoạt động đã được chuẩn bị sẵn sàng cho hè 2018, 63/63 thư viện tỉnh, thành đã  triển khai củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với đặc thù, tâm sinh lý và lứa tuổi, bố trí cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi, sau 2 tuần, toàn hệ thống thư viện công cộng đã đồng loạt đưa ra các chương trình phục vụ hè.

Các phòng đọc được nâng cấp sửa chữa hướng tới một thư viện hiện đại, thân thiện: Phòng đọc được thiết kế với không gian mở, không vách ngăn, tận dụng ánh sáng, không khí tự nhiên, trang trí nhiều hình ảnh màu sắc sinh động; nhiều thư viện đã xây dựng một không gian đa chức năng - có không gian nghe nhạc, phòng chiếu phim- để thiếu nhi có thể đọc, nghe, xem và chơi, từ đó kích thích sự sáng tạo, tinh thần ham học của trẻ. (Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng, Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh,…). Nhiều thư viện đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ và thay đổi phương thức cấp thẻ: đăng ký thẻ trực tuyến qua Website thư viện tỉnh/thành (Thư viện Hà Nội, Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng, Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh,Thư viện tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau…)

Ngoài các hoạt động phục vụ tại chỗ truyền thống như: đọc tại chỗ; mượn về nhà; tra cứu các cơ sở dữ liệu điện tử, truy cập internet. Thư viện tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho thiếu nhi như: hướng dẫn kỹ năng sử dụng thư viện, sử dụng máy tính và các phần mềm thông dụng, tra cứu thông tin; hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc sách, báo phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bạn đọc theo chủ đề, câu lạc bộ đọc sách cùng em; các buổi sinh hoạt, tọa đàm, giới thiệu sách, các cuộc thi lựa chọn đại sứ văn hóa đọc, viết cảm nhận… phù hợp với lứa tuổi.

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động như: triển lãm sách mới, triển lãm theo chuyên đề; nghe nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng với những trải nghiệm thú vị như Hè vui cùng Câu lạc bộ Khoa học ứng dụng-STEM (Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng); các hoạt động phát triển năng khiếu như: Tập làm hoạ sĩ, Nhà hùng biện tý hon, Sân khấu cho bé tập làm ca sĩ, Rung chuông vàng, Đại sứ văn hóa đọc thủ đô (Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Điện Biên, Bình Dương, ); kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách (Thư viện tỉnh Hải Dương, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp,…), Câu lạc bộ Tiếng Anh, các hoạt động sáng tạo khác như tập làm các sản phẩm bằng thủ công (Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh, Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương..).

Một buổi xem phim của bạn đọc thiếu nhi tại Thư viện Hà Nội

Chương trình thi kể chuyện theo sách thường niên đã được các thư viện phát động ngay từ đầu hè với các chủ đề “Cùng đọc sách hay, hè vui khám phá”, “Hè vui cùng sách”, “Hè vui đọc sách-Thắp sáng ước mơ”, “Hè vui cùng thư viện”… Nhiều tỉnh, thành phố gắn với các sự kiện của địa phương “Thiếu nhi thủ đô làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” (Thư viện Hà Nội); “Danh nhân Ninh Bình” Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (Thư viện tỉnh Ninh Bình), “Chúng em kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Thư viện tỉnh Sơn La), “Sách-Trường học và Gia đình” (Thư viện tỉnh Quảng Ninh)…

Thư viện lưu động đưa sách đến vùng sâu, vùng xa

Thư viện lưu động phục vụ lưu thiếu nhi cũng là một hướng đi mới trong việc đổi mới phương thức phục vụ thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè của học sinh các cấp. Bằng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện sách đã đến gần hơn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn khi điều kiện được tiếp cận sách, báo chưa nhiều.

Thư viện lưu động cho thiếu nhi vùng cao, vùng khó khăn

Công tác luân chuyển sách, báo từ thư viện tỉnh/thành về các thư viện quận, huyện, phòng đọc sách xã cũng được các thư viện tỉnh/thành tăng cường triển khai khi các em thiếu nhi có 3 tháng nghỉ hè tại địa phương.

Các thư viện tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang, Cà Mau, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương hiện đang có xe thư viện đa lưu động đa phương tiện đều tích cực triển khai hoạt động phục vụ lưu động cho thiếu nhi tại các điểm sinh hoạt hè.

Bằng những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, sách đã đến gần hơn với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn khi điều kiện được tiếp cận sách, báo chưa nhiều.

Mỗi xe thư viện lưu động có hơn 3.000 cuốn sách, máy tính sách tay và máy chủ, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử, sách nói và cả các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Mỗi chuyến xe không chỉ mang kiến thức, công nghệ thông tin mà còn mang cả niềm vui, niềm hy vọng đến với các em. Ngay từ đầu hè, nhiều thư viện tỉnh đã phối hợp Cung Thiếu nhi tỉnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi, Trung tâm văn hóa, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh đưa xe thư viện lưu động tới phục vụ và tổ chức sân chơi cho thiếu nhi, mở rộng phục vụ tại các cụm sinh hoạt hè tại các xóm, làng, bản các quận huyện và tại các xã Nông thôn mới…(Thư viện tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Binh, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, An Giang, Cà Mau); nhiều chuyến xe đến với bệnh viện Nhi Đồng 2, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Làng trẻ em S.O.S (Thư viện KHTP Hồ Chí Minh tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Quảng Bình).

Các chuyến xe không chỉ chở sách cho các em đọc, máy tính cho các em truy cập internet, nhiều các hoạt động, trò chơi tương tác với sách được tổ chức như: Trò chơi Rung Chuông Vàng, Trò chơi đuổi hình bắt chữ, Đọc sách (Ai nhớ nhiều nhất), Chiếu phim thiếu nhi (về gương hiếu học, gương danh nhân, gương nhân vật lịch sử,…), tô tượng, tranh cát, đất nặn.... tổ chức tặng sách, giảm lệ phí 50% lệ phí thẻ thư viện cho các cháu thiếu nhi.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Thư viện tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thư viện lưu động giúp thư viện chúng tôi chủ động triển khai các hoạt động phục vụ ngoài thư viện, đưa thông tin đến gần với người dân hơn, từ đó mở rộng phong trào đọc sách báo khắp các vùng miền trong tỉnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho tất cả các người dân trong cộng đồng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thành thị, nông thôn và miền núi”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện từng nhận định: “Dự án thư viện lưu động không làm hình thức, không làm phong trào mà mang lại lợi ích thiết thực. Tôi mong muốn tiến tới có thêm nhiều xe thư viện lưu động hơn, bởi thư viện cố định hiệu quả không cao mà phải đi sâu vào công chúng, để cho tất cả mọi người, tất cả đối tượng tiếp cận được với tri thức".

Có thể khẳng định, thư viện công cộng đang nỗ lực củng cố thói quen đọc sách ở trẻ em ngay từ lứa tuổi sớm nhất, hỗ trợ việc học ở các cấp độ khác nhau và tạo điều kiện để nâng cao sự sáng tạo ở trẻ em và thanh thiếu niên./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×