Thu hút tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa
01/08/2018 | 15:40Đó là mục đích kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 2134/KH-UBND.
Theo đó, phát triển tỉnh Hải Dương sẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao.
Văn Miếu Mao Điền. Nguồn: haiduong.edu.vn
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 1,3% GRDP của tỉnh, trong đó, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 15% trong tổng số khoảng 1.700 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch. Phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.
Đến năm 2030 phấn đấu tổng thu các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 3% GRDP của tỉnh, trong đó, đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số 3.500 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch.
Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ tiên tiến, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Hải Dương phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với quảng bá hình ảnh và con người Hải Dương, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong qua trình giao lưu, hợp tác quốc tế./.
Gia Linh (t/h)