Thông tin văn hóa, du lịch tại 5 tỉnh Tây Nguyên
16/02/2020 | 08:11Tạm dừng tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 năm 2020; Tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3; Triển vọng du lịch golf... là những thông tin đáng chú ý tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Kon Tum: Tạm dừng tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 năm 2020
Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Kon Tum dã có Thông báo số 23/TB-UBND về việc tạm dừng tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 năm 2020.
Theo dự kiến trước đó, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 năm 2020 được tổ chức từ ngày 6-15/3/2020 với chuỗi hoạt động cấp tỉnh như lễ khai mạc, lễ hội sâm và dược liệu, lễ hội đường phố, lễ khánh thành Quốc môn, cuộc thi Người đẹp Ngọc Linh, thi và trình diễn bay dù; tổ chức không gian văn hóa lễ hội và trưng bày di sản văn hóa các dân tộc, sắc màu thổ cẩm, hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu và tổ chức tour du lịch dã ngoại…
Gia Lai: Triển vọng du lịch golf
Thông tin trên Báo Gia Lai ngày 14/2 cho biết: Tập đoàn FLC đang xúc tiến triển khai một số dự án quy mô lớn tại Gia Lai, trong đó có loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Đó là 2 dự án gồm: Khu du lịch văn hóa cao nguyên đồi thông kết hợp du lịch sinh thái, trải dài trên địa phận TP. Pleiku và huyện Ia Grai; Khu phức hợp quần thể nghỉ dưỡng quy mô 500 ha, bao gồm sân golf 36 lỗ và khu biệt thự tại huyện Đak Đoa. 2 dự án này mở ra nhiều kỳ vọng đối với ngành du lịch, nhất là loại hình du lịch golf.
Phát triển loại hình du lịch golf mở ra nhiều triển vọng cho du lịch của tỉnh. Dự án xây dựng sân golf tại Gia Lai đang trong quá trình triển khai bước đầu, cần thời gian hoàn thiện, khai thác nhưng sẽ tác động tích cực đối với ngành du lịch.
Đắk Lắk: Tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3
UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 1054/KH-UBND tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3. Theo đó, các hoạt động truyền thông, vận động sẽ tập trung vào chủ đề "Yêu thương và chia sẻ" với một số thông điệp như: Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3; Lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương; Cùng chung tay vì một thế giới hạnh phúc; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên…
Nội dung tuyên truyền tập trung vào lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Chính sách pháp luật và việc thực hiện chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; Nêu gương người tốt, việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, ưu tiên tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ các cá nhân, gia đình, cộng đồng khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi trên tinh thần yêu thương và chia sẻ; Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn về chủ đề hạnh phúc.
Đắk Nông: Sưu tầm được 262 hiện vật, di vật, cổ vật quý hiếm
Thực hiện Đề án kiểm kê, sưu tầm bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện khảo sát, điền dã thu thập thông tin (liên quan đến hiện vật). Với tính cấp bách các đơn vị ưu tiên sưu tầm các mẫu khoáng sản tự nhiên quý như mẫu đá canxedon, thiên thạch, mã não, sapphire, topaz, tourmaline, ruby, thạch anh, peridot, hổ phách; các hiện vật văn hóa truyền thống quý, hiếm đã và đang đứng trước nguy cơ thất thoát, mai một như: các loại chóe quý của dân tộc M'nông, Ê đê; trống, nồi đồng của dân tộc Ê đê, Mạ, Tày; bộ đồ thờ tự của dân tộc Kinh; các hiện vật lịch sử như: máy đánh chữ, máy điện đài, súng DKZ 82, súng pháo DKZ. Kết quả đã sưu tầm được 262 hiện vật, gồm: 52 hiện vật văn hóa dân tộc; 07 hiện vật lịch sử; 203 mẫu khoáng sản tự nhiên.
Lâm Đồng: Theo dõi công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTTDL
Sở VHTTDL Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 15 /KH-SVHTTDL về việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2020.
Theo đó, về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Theo dõi tình hình ban hành văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành kịp thời, đầy đủ và thống nhất; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật tập trung vào lĩnh vực trọng tâm liên ngành về bảo vệ môi trường và các lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Theo dõi các điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; Thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thi hành pháp luật trong toàn Ngành.
Về công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Thực hiện các nội dung và hoạt động công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Thực hiện nghiêm các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Theo dõi tình hình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc ban hành Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác quản lý thi hành hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Xem xét, đánh giá thực trạng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác quản lý thi hành hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, chưa đầy đủ trong thi hành pháp luật, đồng thời tìm ra nguyên nhân và kiến nghị xử lý; kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch./.