Thông tin du lịch nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam
18/02/2020 | 08:00Hà Nội vẫn đang là điểm đến an toàn, tin cậy; Cơ sở bảo tồn gấu trúc Ninh Bình được công nhận là điểm du lịch; Lượng khách đến đền Trần Thương giảm hơn 50% so với mọi năm là những thông tin du lịch nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam.
Hà Nội vẫn đang là điểm đến an toàn, tin cậy
Thời điểm này, Hà Nội vẫn đang là điểm đến an toàn, tin cậy, đó là lý do vì sao Thủ đô được rất nhiều du khách lựa chọn. Theo Sở Du lịch Hà Nội, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, bảo đảm an toàn cho du khách luôn được các điểm đến, cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành đặt lên hàng đầu. Sở yêu cầu tất cả đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tăng cường công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh.
Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện số lượng khách châu Á đến Hà Nội chiếm 65%, khách châu Âu chiếm 25%, còn lại là các thị trường khác. Trong tình hình dịch bệnh do Covid-19, lượng khách Trung Quốc giảm mạnh, bù lại những thị trường khác vẫn tăng đều như: Nhật Bản (tăng 200%), Ấn Độ (tăng 65%)…; thị trường khách châu Âu đang phục hồi dần. Thời điểm này, nhiều công ty lữ hành như: Hanoitourist, Vietrantour, Hanoi Redtour… bắt đầu có chính sách tìm hướng mở rộng thị trường, chủ động đón khách từ châu Âu, Mỹ, Australia… đến Hà Nội và ngược lại.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, bảo đảm điểm đến an toàn, tái cơ cấu thị trường khách, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh công tác quảng bá… sẽ góp phần giúp du lịch Hà Nội vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh để phục hồi và hướng đến mục tiêu tăng tốc trong thời gian tới.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, xã Kỳ Phú (Nho Quan) vừa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là điểm du lịch
Cơ sở được khởi công xây dựng từ năm 2015 và chính thức khánh thành vào tháng 3 năm 2019. Với tổng diện tích trên 22.000 m2, cơ sở được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn nuôi giữ hiện đại, có 4 khu bán hoang dã tạo cho gấu không gian sống gần với tự nhiên nhất, giúp gấu dần phục hồi bản năng của loài, nơi đây được coi là ngôi nhà lý tưởng, an toàn và phù hợp cho các cá thể gấu.
Thời gian qua, cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình liên tục thực hiện các hoạt động cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu bị lấy mật, thực hiện các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đến tháng 12/2019 cơ sở đang chăm sóc cho 27 cá thể gấu từng bị nuôi lấy mật và 2 cá thể gấu con từng bị buôn bán bất hợp pháp.
Tại đây, có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái, tham quan, quan sát các loài gấu và tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại điểm du lịch. Khu vực dịch vụ du khách của Cơ sở bảo tồn chính thức mở cửa từ tháng 3/2019 và không thu vé vào cửa.
Cùng với các khu điểm du lịch văn hóa lịch sử, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được công nhận là điểm du lịch sẽ góp phần tạo thành một quần thể tự nhiên sinh học hấp dẫn và làm giàu thêm các loại hình du lịch tại Ninh Bình.
Cũng tại Ninh Bình: Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch ở Ninh Bình đồng loạt ứng phó trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra với việc vừa tìm cách hạn chế ảnh hưởng, vừa nỗ lực duy trì hoạt động.
Thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành du lịch Ninh Bình thường xuyên cập nhật, đăng tải các Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của Trung ương, của tỉnh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên, người lao động và du khách tự phòng dịch trên các trang thông tin điện tử của ngành. Ngành Du lịch cấp phát cho 20 khu, điểm du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh số lượng gần 300 poster và 3.000 tờ rơi tuyên truyền về cách phòng, chống dịch do virus Covid-19 gây ra.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng, chống lây nhiễm vi rút Covid-19; có phương án phòng, chống, cách ly, xử lý cụ thể nếu có trường hợp phát sinh lây nhiễm dịch bệnh của khách du lịch hoặc trong cộng đồng dân cư, đảm bảo tuyệt đối an toàn của khách du lịch, người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ. Riêng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế: Tạm dừng tổ chức tour du lịch cho khách đi và đón khách đến từ các khu vực đang có dịch hoặc có nguy cơ lây nhiễm vi rút Covid-19 cao; có biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 khi đi du lịch nước ngoài, đồng thời hướng dẫn, thông tin đầy đủ đến du khách để khách chủ động phòng, chống dịch bệnh…
Được biết, ngay khi có công bố dịch, Sở Du lịch Ninh Bình đã tăng cường từ 3-5 cán bộ trực tại các trạm hỗ trợ khách du lịch gồm Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động để tuyên truyền, hướng dẫn du khách và người dân về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra. Tăng cường kiểm tra các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về Ninh Bình. Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tiến hành vệ sinh, phun thuốc khử trùng tại các khu, điểm du lịch, cấp phát nước rửa tay khử trùng, phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch trong nước và quốc tế, nhằm phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19…
Lượng khách đến đền Trần Thương (Hà Nam) giảm hơn 50% so với mọi năm
Nếu như mọi năm, sau khi tổ chức Lễ phát lương đền Trần Thương (đêm 14, rạng sáng ngày Rằm tháng Giêng) xong, số lương được phát cho nhân dân khoảng trên 18 vạn túi. Năm nay, lễ hội dừng tổ chức do dịch bệnh Covid-19, số người đến xin lương chỉ còn một nửa so với các năm.
Theo thống kê, đến hết ngày 20 tháng Giêng năm Canh Tý (tức ngày 13/2/2020), lượng khách đến tham quan, chiêm bái và xin lương Đức Thánh Trần ước khoảng 9 vạn lượt người, so với cùng thời kỳ các năm trước, số lượng khách giảm hơn 10 vạn lượt người.
Nguyên nhân chủ yếu do từ mồng 8 tháng Giêng (tức ngày 1/2/2020), sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam và chỉ đạo các địa phương dừng tổ chức lễ hội, Lý Nhân đã thực hiện không tổ chức Lễ hội phát lương đền Trần Thương diễn ra vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Canh Tý. Tuy nhiên, các hoạt động của di tích vẫn diễn ra bình thường, nhà đền vẫn mở cửa để đón khách tham quan. Ban Quản lý di tích vẫn tổ chức phát lương cho nhân dân
Được biết, dự định ban đầu, số lương Ban Quản Lý di tích chuẩn bị để phát cho nhân dân trong dịp đầu xuân là trên 18 vạn túi, bằng số lương của mọi năm. Nếu cùng thời điểm này của các năm trước, nhân dân đã đến nhận hết lương. Nhưng năm nay, dịch bệnh Covid -19 diễn ra đã làm du khách đến Đền ít hơn, vì thế, số lương được phát cho nhân dân đến hết 20 tháng Giêng ước khoảng 9 vạn túi"
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của tỉnh về tăng cường các biện pháp chống dịch Covid- 19, huyện Lý Nhân ngoài việc dừng tổ chức lễ hội còn tích cực chỉ đạo chính quyền địa phương xã Trần Hưng Đạo, Ban quản lý di tích phun thuốc khử trùng tại khu vực đền, tổ chức các hoạt động tại di tích đảm bảo an toàn cho du khách; chuẩn bị trên 5.000 khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn phát miễn phí cho nhân dân đến Đền vào đêm 14 tháng Giêng; bố trí lực lượng an ninh hướng dẫn nhân dân ra vào đền đúng quy định, tránh tập trung đông người...