Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thời cơ để du lịch Lai Châu bứt phá

13/10/2023 | 13:59

Lai Châu từng là địa phương được đánh giá có xuất phát điểm về phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có của tỉnh; cơ sở hạ tầng du lịch cần được đầu tư cải thiện, nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia làm du lịch hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh thấp, chưa đủ sức giữ vai trò chủ lực để tạo thành một hệ thống cung ứng dịch vụ hiện đại, chất lượng cao của tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, tất cả những yếu tố trên dường như đã thay đổi.

Những con số ấn tượng

Năm 2022 được xem là năm tiên phong của ngành du lịch Lai Châu sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong năm, Lai Châu đã đón khoảng 762.000 lượt khách với tổng doanh thu trên 555 tỉ đồng, tăng 131,6% so với năm 2021, đạt 126,84% so với kế hoạch năm 2022.

Thời cơ để du lịch Lai Châu bứt phá - Ảnh 1.

Các lễ hội đã góp phần thu hút du khách

Tiếp nối thành công trên, chỉ tính riêng tháng 1.2023, Lai Châu tiếp tục đón 63.500 lượt khách, trong đó khách nội địa là 62.800 lượt, với tổng doanh thu ước đạt hơn 50 tỉ đồng.

Theo ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lai Châu, với các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Lai Châu khảo sát, thực hiện các dự án du lịch bằng nguồn vốn ngoài ngân sách tăng rất nhanh.

Nổi bật trong số đó là Khu Du lịch Cầu kính Rồng mây, Khu du lịch đèo Ô Quý Hồ, Dự án Vườn Địa đàng vừa được UBND tỉnh Lai Châu phê duyệt, quy hoạch phân khu.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch với các hãng lữ hành, du khách trong nước và quốc tế, ngành du lịch địa phương cũng đẩy mạnh khai thác sản phẩm truyền thống, như: Chợ phiên vùng cao (chợ đêm San Thàng, chợ phiên Sìn Hồ, chợ phiên Sin Suối Hồ, chợ phiên Tà Mung), ẩm thực và sản vật vùng cao. Ngoài ra, Lai Châu cũng có các chính sách quan tâm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch.

Năm 2023, Lai Châu phấn đấu tổng lượt khách du lịch tăng 7,6% so với năm 2022.

Điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách

Theo ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục liên kết với các tỉnh trong khu vực và TPHCM. Trọng tâm là đổi mới các sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá du lịch, đặc biệt là phát huy tiền năng, lợi thế của khu vực Tây Bắc.

Để phát triển du lịch, địa phương phải có sản phẩm khác biệt, một trong những lợi thế lớn của Lai Châu đó chính là thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, trong thời gian tới Lai Châu sẽ đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch đến với những đỉnh núi kỳ vĩ của Lai Châu gắn với tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa, ẩm thực để thu hút nhiều khách đến với Lai Châu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục đa dạng các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh trên các website du lịch, hệ thống du lịch thông minh của tỉnh, các ấn phẩm du lịch và tại các hội chợ, sự kiện du lịch lớn trong nước… với mục tiêu đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách.

Thời cơ để du lịch Lai Châu bứt phá - Ảnh 2.

Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả

Trong thời gian qua, Lai Châu tích cực phát triển thị trường du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch thông qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện, hội nghị, đón đoàn Famtrip, Caravan, Hội chợ du lịch và du lịch quốc tế thường niên; phối hợp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đặc biệt, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 – năm 2023 được tổ chức ở Lai Châu cuối tháng 3/2023 đã thu hút hàng vạn vận động viên và du khách về Lai Châu, tạo cú hích để du lịch địa phương “cất cánh”.

Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa

Đúng một năm trước, ngày 19.9.2022, gói thầu XL-01, đoạn chạy qua huyện Văn Bàn (Lào Cai) nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, thuộc Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công, được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nơi có dự án đi qua, củng cố và bảo đảm quốc phòng an ninh cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thời cơ để du lịch Lai Châu bứt phá - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khẳng định, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó có đoạn tuyến đi qua tỉnh Lào Cai để nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai để thay thế tuyến đường cũ, giúp tăng cường khả năng kết nối, giao thương giữa các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Lào Cai và Lai Châu với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Với những kế hoạch có tầm nhìn tổng thể và lâu dài của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, cùng với đó là sự đầu tư mang tính trọng điểm, chiến lược của các bộ, ban, ngành Trung ương, có thể thấy rằng, chưa khi nào Lai Châu có cơ hội thuận lợi như thời điểm này để bứt phá mạnh mẽ trên tất cả cả lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có hoạt động du lịch.

Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030" được UBND tỉnh Lai Châu ban hành, chỉ rõ: Lai Châu sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Lai Châu cũng sẽ đầu tư bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp. Bản Sì Thâu Chải (huyện Tam Đường) tập trung phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi). Tại bản San Thàng (thành phố Lai Châu), du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng, song song với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người dân tộc Giáy. Các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa cũng được đẩy mạnh tại bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) của người Thái và bản Thẳm (huyện Tam Đường) của người Lự.


Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×