Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thoả thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Lợi, tỉnh Bình Dương

30/10/2012 | 00:25

(VP) – Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản 3757/BVHTTDL-KHTC ngày 23/10 gửi Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương về việc thoả thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Lợi, tỉnh Bình Dương.

Sau khi xem xét, nghiên cứu hồ sơ tài liệu gửi kèm và ý kiến thẩm định của Cục Di sản văn hoá tại Công văn số 520/DSVH-DT ngày 23 tháng 8 năm 2012, Bộ VHTTDL cơ bản thống nhất với nội dung Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Lợi do Công ty Thiêt kế kiến trúc PA lập, bao gồm các nội dung: tu bổ, phục hồi các hạng mục hàng rào, cổng, lô cốt trung tâm, lô cốt 4 góc, nhà giam C, nhà kỷ luật, sàn nằm nhà giam A và B; tôn tạo các hạng mục sân nền tượng đài, tượng đài, nhà văn bia, hàng rào, cổng vào khu di tích, nhà quản lý điều hành, nhà hàng phục vụ khách tham quan, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh công cộng, nhà để xe, sân vườn và các hạng mục phụ trợ khác. Công tác đánh giá khảo tả di tích cũng như các phương án tu bổ, tôn tạo các hạng mục của di tích được đề cập trong báo cáo kinh tế kỹ thuật đã phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hoá, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, đáp ứng được yêu cầu của qui chế tu bổ, tôn tạo di tích.

Bộ VHTTDL lưu ý chỉnh sửa một số nội dung sau:
Phần thuyết minh về nội dung các căn cứ pháp lý, đề nghị bổ sung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 12/9/2010 của Chính phủ quy đinh chi tiết một số điều của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; các quy hoạch đã được phê duyệt và các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Bổ sung phần đánh giá tác động môi trường trong quá trình triển khai thi công và phương án giảm thiểu tác động môi trường cũng như tác động của các đối tượng đến thăm quan, học tập tại khu di tích. Bổ sung các hoạt động được tổ chức thường niên tại di tích và số lượng khách đến thăm quan di tích.

Cần có dự kiến hiện vật và phương án trưng bày để làm căn cứ xác định quy mô nhà trưng bày bổ sung. Cân nhắc sự cần thiết và tính phù hợp của việc xây dựng phòng chiếu phim.

Phần bản vẽ và đánh giá hiện trạng:
Đề nghị bổ sung bản vẽ hiện trạng (thể hiện đầy đủ hình dáng, kích thước, chú thích về chất liệu, kỹ thuật xây dựng...), của các nhà giam, các lô cốt, cổng, hàng rào thép gai để làm cơ sở tu bổ, phục chế các hạng mục này.

Tính toán giảm số lượng phục dựng lính canh trên các lô cốt và người trong các nhà giam bằng chất liệu composit để phù hợp với kiến trúc cảnh quan di tích (như dự kiến làm 500 tượng composit tại nhà giam C là quá nhiều không phù hợp).

Cần nghiên cứu thu nhỏ diện tích phòng trưng bày phù hợp với số lượng hiện vật dự kiến trung bày, đồng thời có phương án trưng bày hiện vật gắn với từng hạng mục của di tích.

Cần bổ sung cơ sở khoa học và thu thập thêm lời kể của nhân chứng (như trong phần thuyết minh đã đề cập) đối với hạng mục cổng chính và phần hàng rào hai bên cổng, làm căn cứ để đề xuất phương án thiết kế phục hồi các hạng mục này.

Đánh giá kỹ lại mức độ hư hỏng và sự không phù hợp của các tấm đan trên bề mặt nền khu tưởng niệm (theo đánh giá chỉ hư hỏng 30%), không cần thiết phải thay toàn bộ bằng đá granite.

Đường trong khu vực khu di tích như đường xung quanh nhà giam G, nhà giam, nhà giam C và sàn nằm nên sử dụng chất liệu bê tông giả đất, không lát đá xanh. Sử dụng đèn pha đặt tại các góc khuất để chiếu sáng sân vườn khu vực các nhà giam, không sử dụng các loại đèn chiếu sáng trang trí để chiếu sáng khu vực này.

Đối với hạng mục nhà văn bia
đề nghị nghiên cứu kỹ về quy mô để phù hợp với độ cao của những di tích gốc xung quanh như nhà giam G, lô cốt trung tâm và tượng đài. Không sử sụng các chi tiết rồng phượng, mặt nguyệt trên mái.

Đối với hạng mục nhà bảo vệ: cần có phương án để tái sử dụng tối đa các viên gạch lát nền hiện có, và tiến hành phục chế những viên cần thay thế và lát nền theo đúng hình thức trước đây.

Hạng mục nhà bếp: Xem xét điều chỉnh lại bản vẽ chi tiết cửa đi cho phù hợp (bản vẽ KT13/14).

Đối với 02 dãy nhà giam: Chỉ làm mới, bổ sung các cửa đi khi có đầy đủ cơ sở khoa học.

Bổ sung phương án phòng chống mối cho các hạng mục công trình, đặc biệt là đối với các cấu kiện gỗ.
Cần có nhà bao che từng khu vực có thể bảo quản các cấu kiện khi hạ giải và phân loại.

Đề nghị chủ đầu tư cần thành lập hội đồng đánh giá và tư liệu hoá đầy đủ hiện trạng di tích, nhằm lưu giữ các dấu tích của các chiến sĩ cách mạng để lại trên các hạng mục của di tích. Tiến hành đánh giá, phân loại các cấu kiện để sử dụng tối đa các cấu kiện cũ có khả năng sử dụng. Đối với các vật liệu, cấu kiện phục hồi cần đảm bảo tính phù hợp, chân xác so với các cấu kiện kiến trúc cũ của di tích. Trong quá trình triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo, Ban quản lý di tích cần phối hợp với các nhân chứng lịch sử để đảm bảo tính chân thực về mặt lịch sử của di tích và phù hợp với tổng thể khu di tích.

Làm rõ những căn cứ để xây dựng dự toán, trong đó phân định rõ những nội dung công việc tu bổ, tôn tạo được áp dụng đơn giá đặc thù.

Về nguồn vốn đầu tư: vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá cân đối về địa phương để tu bổ, phục dựng các hạng mục di tích gốc, đối với các hạng mục còn lại đề nghị sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện.

Bộ VHTTDL đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương yêu cầu đơn vị tư vấn căn cứ vào những ý kiến nêu trên chỉnh sửa lại dự án (kể cả tiến độ và kế hoạch đầu tư theo đúng quy định), trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt đồng thời cho triển khai xây dựng thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán trình Bộ VHTTDL xem xét thẩm định (có gửi kèm quyết định phê duyệt dự án) và bố trí vốn.

HCTC


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×