Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thể thao Việt Nam: Chú trọng cả bề rộng lẫn chiều sâu

02/01/2024 | 09:45

Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, trong năm vừa qua, Thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện cả về bề rộng lẫn chiều sâu, cả về phong trào lẫn thể thao thành tích cao. Đây là những dấu ấn mà toàn ngành đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao, về đích sớm như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.


Thể thao Việt Nam: Chú trọng cả bề rộng lẫn chiều sâu - Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam phát triển chú trọng cả bề rộng lẫn chiều sâu. (Ảnh: Hơn 5.000 người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023 tại TP Cần Thơ)

Điểm nhấn về Hội nghị Diên Hồng của ngành Thể thao

Sau khi Đoàn Thể thao Việt Nam giành 3 HCV tại Asian Games (ASIAD) 19, nhiều ý kiến cho rằng Đoàn chưa hoàn thành chỉ tiêu, chưa đạt thành tích như mong đợi, chỉ toả sáng ở đấu trường SEA Games. Nhưng sự thực là 3 tấm HCV tại đấu trường châu lục đã phản ánh đúng thực lực của Thể thao Việt Nam và đúng như dự đoán mà Cục Thể dục thể thao đã đưa ra trước đó.

Ngay sau khi kết thúc ASIAD 19, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo Cục Thể dục thể thao khẩn trương tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Hội nghị được tổ chức với mong muốn tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam, tiếp cận gần hơn với châu lục và thế giới. Tổ chức vào ngày 21.12, tại Hà Nội, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt cho sự phát triển của thể thao thành tích cao.

Đó là những khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố then chốt trong thời đại công nghệ số. Thế nhưng Thể thao Việt Nam luôn trong cảnh thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện chứ chưa nói đến việc có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để ứng dụng khoa học công nghệ. Các ý kiến cũng chỉ ra những khó khăn về nguồn lực đầu tư, về dinh dưỡng, phục hồi, sự thiếu thốn đội ngũ y bác sĩ, kể cả các bác sĩ về tâm lý… để giúp các VĐV vượt ngưỡng về thành tích…

Hội nghị được tổ chức đã giúp ngành Thể thao tìm ra được “kim chỉ nam” để cải thiện, nâng cao thành tích. Đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị bàn về việc nâng cao thành tích thể thao được tổ chức với quy mô lớn, thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, HLV, VĐV. Đặc biệt Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, ngành Quân đội, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo 45 Sở VHTT, Sở VHTTDL trên cả nước. Đây được xem là Hội nghị Diên Hồng của Thể thao Việt Nam và có thể xem là một trong những dấu ấn đáng chú ý của năm 2023 và của cả nửa nhiệm kỳ. Việc tổ chức Hội nghị cũng thể hiện sự sâu sát trong chỉ đạo, quản lý của Bộ VHTTDL, đồng hành cùng lĩnh vực Thể thao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và tính kịp thời trong việc tổ chức Hội nghị.

Thể thao Việt Nam: Chú trọng cả bề rộng lẫn chiều sâu - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương thăm và động viên các đội tuyển quốc gia trước khi lên đường tham dự đấu trường quốc tế.

Dấu ấn đáng tự hào của thể thao trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là sự thành công của hai kỳ SEA Games liên tiếp. Đây là hai kỳ SEA Games đặc biệt. Nếu SEA Games 31 Việt Nam tổ chức an toàn và thành công trong trạng thái bình thường mới do đại dịch được các nước trong khu vực đánh giá cao thì SEA Games 32, chỉ diễn ra một năm sau đó, lần đầu tiên Thể thao Việt Nam dẫn đầu ở đại hội thể thao cấp khu vực tổ chức ở nước ngoài.

Thành công của hai kỳ SEA Games liên tiếp

Dấu ấn đáng tự hào trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là sự thành công của hai kỳ SEA Games liên tiếp. Đây là hai kỳ SEA Games đặc biệt. Bởi nếu SEA Games 31 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng thì SEA Games 32, chỉ diễn ra một năm sau đó, phá vỡ chu kỳ hai năm chuẩn bị của Thể thao Việt Nam và các nước trong khu vực.

Với SEA Games 31, có thể nói trước muôn vàn khó khăn khi phải chuẩn bị tổ chức SEA Games trong trạng thái bình thường mới do đại dịch, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VHTTDL, sự đồng lòng của người dân, cuối cùng chúng ta đã kiểm soát khống chế được đại dịch và tổ chức thành công Đại hội. Ông Dato Sieh Kokchi, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Olympic Malaysia đánh giá, điểm nhấn của SEA Games 31 là nước chủ nhà đã tổ chức thành công và an toàn Đại hội trong điều kiện dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các Ban, Bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị tốt về hệ thống cơ sở vật chất. Đặc biệt đây là kỳ SEA Games không chỉ ghi dấu ấn về công tác tổ chức mà còn ghi đậm dấu ấn về chuyên môn bằng chiến thắng thuyết phục của chủ nhà Việt Nam. Chúng ta đã dẫn đầu bảng tổng sắp của Đại hội, bỏ xa các nước ở phía sau với 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ.

Trong các chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về quá trình Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 32, một nội dung luôn được nhấn mạnh, đó là Thể thao Việt Nam hãy lấy thành công của SEA Games 31 là tiền đề, là động lực để thi đấu thành công tại SEA Games 32. Và việc chuẩn bị cho SEA Games 32 cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh là dịp để chúng ta chuẩn bị liên thông cho các đấu trường lớn là Asian Games và Olympic. Đây cũng là kỳ Đại hội được dự báo đầy khó khăn khi chúng ta thi đấu trên sân khách trong khi hàng loạt môn, nội dung thế mạnh không có trong chương trình thi đấu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chỉ có một năm chuẩn bị thay vì chu kỳ hai năm như các kỳ Đại hội trước.

Thế nhưng với khí thế, tinh thần của SEA Games 31 cùng quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bằng quyết tâm của các HLV, VĐV, Thể thao Việt Nam đã ghi dấu ấn bằng hàng loạt thành tích vượt trội. Với 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, Đoàn Thể thao Việt Nam đã có mặt ở vị trí đầu tiên trên bảng tổng sắp, khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đây cũng là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam dẫn đầu ở đại hội thể thao cấp khu vực tổ chức ở nước ngoài. Và thành tích này đã được Chính phủ ghi nhận. Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đánh giá: “Thể thao thành tích cao tiếp tục được đẩy mạnh; đặc biệt, đoàn Việt Nam đạt kết quả nhất toàn đoàn tại SEA Games 32”.

Trong niềm vui đại thắng ngày trở về, Đoàn Thể thao Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp và trao thưởng.

Kết quả thi đấu quốc tế năm 2023 cũng đáng để tự hào. Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 1.429 huy chương quốc tế (trong đó 571 HCV, 404 HCB, 454 HCĐ); xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games 32, với tổng số 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games; lần thứ 2 liên tiếp giành HCV Bóng đá U23 nam Đông Nam Á; hoàn thành chỉ tiêu đề ra với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp vị trí thứ 21/45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội Thể thao châu Á. Hiện nay, Thể thao Việt Nam có môn Bơi, Xe đạp, Bắn súng giành vé chính thức tham dự Olympic 2024 tại Pháp.

Nhìn lại bức tranh Thể thao Việt Nam trong năm 2023, có thể thấy dấu son đáng nhớ nữa là hành trình của đội tuyển nữ Việt Nam tại vòng chung kết World Cup nữ 2023. Dù không tạo được bất ngờ trước các đối thủ hàng đầu thế giới nhưng các cầu thủ nữ Việt Nam đã cho thấy sự tiến bộ trong tư duy chơi bóng, tích luỹ thể lực để đáp ứng cường độ trận đấu. Điều quan trọng hơn cả, giải đấu World Cup lịch sử của đội tuyển nữ là cú hích lớn nhằm nâng cao vị thế của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Một dấu ấn nữa là thể thao quần chúng. Có thể khẳng định trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, phong trào thể thao quần chúng đã có bước phát triển cả về bề rộng và bề sâu nhằm hướng tới mục tiêu dân cường thì quốc thịnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể thao Việt Nam cũng đã phát triển dựa trên hai trụ cột, lấy thể thao quần chúng làm chân đế vững chắc cho sự phát triển của thể thao thành tích cao, như nhiều lần Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo./.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×