Thể thao Ninh Bình phát triển theo hướng toàn diện
23/03/2022 | 09:21Phát triển thể thao là chìa khóa giúp củng cố, tăng cường sức khỏe cho người dân. Chính vì nhận thức đó mà từ lâu hoạt động thể thao của tỉnh Ninh Bình đã được quan tâm đầu tư một cách kiên trì, bền bỉ.
Kết quả của quá trình đầu tư đó là tỉnh nhà đã có được nền thể thao phát triển tương đối toàn diện mà dấu ấn thể hiện ở cả thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Đối với thể thao quần chúng, Ninh Bình là tỉnh có hoạt động thể thao quần chúng tương đối sôi nổi, rộng rãi.
Qua việc kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để thể thao phong trào phát triển, thể thao đã trở thành hoạt động không thể thiếu được trong đời sống người dân. Các cấp, các ngành cũng xác định muốn phong trào thể thao phát triển mạnh thì cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện TDTT.
Nhờ sự quan tâm của các địa phương, kết hợp với quá trình hoàn thiện các tiêu chí của nông thôn mới, đến nay, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu thể thao toàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu tập luyện của người dân.
Toàn tỉnh hiện có trên 670 sân thi đấu cầu lông; 145 sân thể thao cơ bản; 450 sân bóng đá; 70 sân quần vợt; 280 sân bóng chuyền; 235 sân bóng rổ; 25 bể bơi cố định... Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể thao đầy đủ đã tạo điều kiện cho phong trào tập luyện thể thao phát triển.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 380 cuộc thi đấu TDTT ở cơ sở. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33%; tỷ lệ số gia đình thể thao đạt 28,5%; có trên 670 câu lạc bộ TDTT cơ sở; số trường thực hiện giáo dục thể chất đảm bảo chất lượng là 100%; học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể 85%; số trường hoạt động ngoại khóa thường xuyên là 86%.
Thể thao quần chúng phát triển mạnh giúp người dân có sức khỏe tốt, ngăn ngừa bệnh tật, tránh xa tệ nạn xã hội, giúp nâng cao năng suất lao động, hướng mọi người có nếp sống khoa học, xã hội văn minh, hiện đại, lành mạnh. Thể thao quần chúng phát triển sâu rộng là tiền đề, nền tảng quan trọng để phát triển thể thao thành tích cao. Bởi vì từ thể thao phong trào, từ hoạt động tập luyện thi đấu của quần chúng ở các câu lạc bộ, các nhà chuyên môn mới có điều kiện phát hiện được các nhân tố năng khiếu, sau đó tuyển chọn, đào tạo, trở thành các vận động viên chuyên nghiệp.
Tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, hiện đang đào tạo hơn 150 vận động viên chính thức, gồm lớp vận động viên năng khiếu tập trung, tuyển trẻ, đội mạnh. Trong số đó có nhiều vận động viên tài năng, có đẳng cấp cao được gọi vào đội tuyển trẻ Quốc gia, đội tuyển Quốc gia. Hiện Ninh Bình đã cử 18 vận động viên tham gia tập huấn và thi đấu cho đội tuyển Quốc gia và đội tuyển trẻ Quốc gia ở các môn: Karate, điền kinh, cờ vua, judo, vật, cử tạ, bóng chuyền...
Tỉnh Ninh Bình cũng là một trong số ít tỉnh có hệ thống đào tạo trẻ tương đối mạnh, có thể tự đào tạo được các vận động viên có chất lượng, phục vụ thi đấu đỉnh cao, như các môn: Bóng chuyền nam, cờ vua, võ karate, vật, cử tạ... Có thể kể tên một số gương mặt VĐV tiêu biểu như: Giang Văn Đức, Trịnh Duy Phúc (bóng chuyền nam); Nguyễn Hồng Ngọc, Đồng Khánh Linh (cờ vua); Giang Việt Anh, Lê Hồng Phúc, Phạm Minh Đức (karate); Hà Văn Hiếu (vật); Đinh Xuân Hoàng (cử tạ)...
Đặc biệt, hai đội bóng chuyền nam và nữ của tỉnh vừa thi đấu thành công tại giải hạng mạnh, đã tạo ấn tượng tốt đẹp về thể thao Ninh Bình với khán giả cả nước. Đội tuyển bóng chuyền nam Tràng An Ninh Bình đang là đương kim vô địch Giải bóng chuyền quốc gia năm 2021. Đây cũng là đội bóng duy trì vị thế tốp 4 đội hàng đầu quốc gia trong nhiều năm liền, giữ vị thế là niềm tự hào, làm nên thương hiệu cho thể thao Ninh Bình.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều giải thể thao đã phải hủy bỏ hoặc tạm hoãn, nhưng với nỗ lực thi đấu của các tuyển thủ, thể thao thành tích cao Ninh Bình vẫn giành tổng số 25 huy chương các loại, bao gồm: 6 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc, 11 huy chương Đồng và 4 huy chương Bạc quốc tế...
Sức mạnh của thể thao thành tích cao Ninh Bình không chỉ thể hiện ở khả năng đào tạo, chất lượng tuyển thủ thi đấu tại các giải đấu, mà nó còn thể hiện ở năng lực tổ chức thi đấu, sức hấp dẫn từ môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ chế đãi ngộ, trọng dụng nhân tài thể thao.
Cũng vì vậy mà từ nhiều năm nay, Ninh Bình trở thành "miền đất hứa" và "bến đỗ" cho nhiều tài năng, từ giới tuyển thủ cho tới các huấn luyện viên. Tiêu biểu như siêu đô vật Hà Văn Hiếu, quê Lạng Sơn đã chọn Ninh Bình làm nơi trao gửi sự nghiệp; tài năng Judo Nguyễn Thị Thanh Thủy, quê Trà Vinh, đã đầu quân cho Ninh Bình từ nhiều năm nay; cây chuyền hai kỳ cựu của đội tuyển bóng chuyền nam Quốc gia Giang Văn Đức, quê gốc Thái Bình nhưng trưởng thành từ lò đào tạo Tràng An Ninh Bình...
Gần đây nhất, ngay sau Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2021, đã có tới 6 ngôi sao tuyển nữ là: Lê Thanh Thúy, Đinh Thị Thúy, Nguyễn Thị Trinh, Lưu Thị Huệ, Bùi Vũ Thanh Tuyền và Nguyễn Thu Hà đã đầu quân cho Ninh Bình. Ngay cả chiến tướng lừng danh Thái Thanh Tùng, người dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia tại Sea Games 31 cũng đến từ quê lúa Thái Bình.
Thể thao Ninh Bình cũng tự hào đóng góp một lực lượng vận động viên đáng kể cho các đội tuyển quốc gia tranh tài tại Sea Games 31. Các tuyển thủ Ninh Bình đang góp mặt ở các môn như: Cử tạ, bóng chuyền (nam và nữ), võ karate, vật, judo, kurash. Đặc biệt, thể thao tỉnh nhà cũng vinh dự được Ban Tổ chức Sea Games 31 lựa chọn là nơi tổ chức thi đấu môn võ karate trong khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Nguồn lực đầu tư cho thể thao của tỉnh Ninh Bình thời gian qua còn có mức độ. Tuy vậy, đã tạo được nền tảng phát triển vững chắc. Sự phát triển đồng đều, toàn diện cả về thể thao phong trào lẫn thể thao mũi nhọn là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Điều đó chứng tỏ tính hiệu quả và sức vươn của thể thao Ninh Bình.
Với những gì đã làm được, người yêu thích thể thao có quyền kỳ vọng và tin tưởng, thể thao Ninh Bình sẽ còn phát triển mạnh mẽ và vươn xa trong tương lai.