Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cánh cửa cho bảo tàng tư nhân phát triển

20/06/2024 | 14:18

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ đóng góp nhiều hiện vật, công sức, kỹ năng, trí tuệ…, bảo tàng tư nhân còn lưu giữ nhiều hiện vật vô giá cùng niềm đam mê và nỗ lực của nhà sưu tập.

Thành phố Hồ Chí Minh: Mở cánh cửa cho bảo tàng tư nhân phát triển - Ảnh 1.

Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. (Nguồn: Vietnam Travel)

Bên cạnh các bảo tàng nghệ thuật công lập, nhiều nhà sưu tập ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng sở hữu kho tàng tác phẩm nghệ thuật, cổ vật và tư liệu, hiện vật văn hóa nghệ thuật trong các bảo tàng tư nhân.

Bằng niềm đam mê và tình yêu, họ muốn lan tỏa, giới thiệu các bộ sưu tập, góp phần vào công cuộc nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ cho công chúng.

Hội tụ các di sản lịch sử

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 6 bảo tàng tư nhân. Các bảo tàng thuộc nhiều lĩnh vực như, y học dân tộc cổ truyền, mỹ thuật, cổ vật, lịch sử, gốm sứ…

Nhiều bảo tàng được giới chuyên môn, người xem đánh giá cao như: Bảo tàng Áo dài Việt Nam (thành phố Thủ Đức), Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam (Quận 10), Bảo tàng nghệ thuật Quang San (thành phố Thủ Đức), Bảo tàng Đỗ Hùng (Quận 1)…Là một trong số những bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng là địa điểm trưng bày những chiếc áo dài Việt Nam từ lúc hình thành đến nay.

Đi cùng những chiếc áo dài đó là sự đổi thay của đất nước, trong một không gian Việt với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống và màu sắc thiền - tịnh, đậm dấu ấn sông nước miền Tây.

Theo đại diện Bảo tàng Áo dài, số lượng khách tham quan bảo tàng tăng theo từng năm. Năm 2022, đơn vị đón khoảng 39.000 lượt người, đến 2023 là 44.000 lượt khách. Qua đó cho thấy sức hút của bảo tàng tư nhân đối với công chúng.

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt hai bảo tàng tư nhân là Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn.

Đây là hai bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng, được bố trí thành các khu vực trưng bày riêng biệt tại một tòa nhà ở Quận 1.

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày hàng ngàn bộ trang sức cổ cùng trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em kết hợp cùng những bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ các hoa văn, thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán của từng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Toàn bộ đều là những hiện vật gốc có niên đại hơn 2.500 năm trước đến thế kỷ 20, được chế tác từ các chất liệu như, vàng, bạc, ngọc, hổ phách, mã não, thạch anh, pha lê, ngọc trai…

Còn Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày những cổ vật, hiện vật trong cung cấm của 13 đời vua triều Nguyễn. Từ những món đồ trang sức, thú vui của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa thường nhật cho đến trang phục, vật dụng triều chính, nội thất, vật dụng cá nhân...

Với hơn 30 năm sưu tập và nghiên cứu cổ vật, ông Đỗ Hùng cho rằng, mỗi cổ vật đều chứa đựng nhiều yếu tố về nghệ thuật, lịch sử cùng những câu chuyện thú vị gắn liền.

Cá nhân ông không còn là một nhà sưu tầm hay một người thưởng thức cổ vật mà đặt cho mình trách nhiệm phải giữ gìn, phát huy bằng cách giới thiệu các cổ vật ra công chúng.

Ngoài phục vụ tham quan, tại đây còn cung cấp dịch vụ chụp ảnh cho du khách với trang phục hoàng cung ngồi ngai vàng, kiệu, xe kéo của vua, hoàng hậu với phiên bản phục dựng có tỷ lệ, màu sắc 10/10 so với bản gốc.

Kết nối du lịch nhằm phát huy giá trị bảo tàng

Các chuyên gia cho rằng, không chỉ đóng góp nhiều hiện vật, công sức, kỹ năng, trí tuệ…, bảo tàng tư nhân còn lưu giữ nhiều hiện vật vô giá cùng niềm đam mê và nỗ lực của nhà sưu tập.

Việc mở cửa các bảo tàng tư nhân đóng góp thêm nguồn lực của xã hội cho sự phát triển giá trị di sản, giúp công chúng có thêm nhiều cách tiếp cận tri thức, mở mang văn hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết để hệ thống bảo tàng này tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Tháng 6/2023, sự ra đời của Bảo tàng nghệ thuật Quang San (thành phố Thủ Đức) rộng 2.000m2 trưng bày các bức tranh theo tiến trình phát triển hội họa của Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng, những người yêu nghệ thuật và các nhà quản lý.

Ông Hoàng Nghị, Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bảo tàng nghệ thuật Quang San có cơ sở vật chất trưng bày hiện đại, sưu tầm được nhiều bộ tranh quý hiếm của những tác giả nổi tiếng, bộ máy nhân sự am hiểu chuyên môn.

Ông cũng mong Bảo tàng tiếp tục sưu tầm được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật hơn nữa, thu hút đông du khách tới tham quan, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn đối với người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh, từ hàng trăm năm nay, các bảo tàng đã là nơi hội tụ của di sản lịch sử, nghệ thuật. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa giáo dục có sức mạnh tiềm tàng, to lớn và ngày càng trở nên quan trọng, ý nghĩa hơn.

Thông qua các hoạt động tham quan, việc trưng bày hiện vật, ghi chú, hướng dẫn, thuyết minh... bảo tàng là nơi lưu giữ tổng hợp các giá trị di sản, nơi sưu tập di sản để trưng bày, truyền tải thông tin lịch sử, bản sắc dân tộc, lòng yêu nước đến với công chúng. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, lòng biết ơn với tổ tiên, cội nguồn.

Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ những giá trị ấy, cần có sự hỗ trợ, động viên để cho ra đời ngày càng nhiều bảo tàng tư nhân chất lượng.

Các bảo tàng tư nhân không chỉ góp phần làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản và nhân dân mà còn góp phần kích cầu du lịch, tạo dựng thêm điểm đến cho mỗi vùng đất, lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa...

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho biết, ngành Văn hóa Thành phố đã quan tâm đến các bảo tàng tư nhân; trong đó, có 2 bảo tàng tư nhân lọt vào top 100 điều thú vị của Thành phố.

Do đó, ngành cần tiếp tục phát huy sự quan tâm hiện tại, đưa các bảo tàng tư nhân khác vào hệ thống phát triển chung. Ngành du lịch cần tiếp cận với các bảo tàng tư nhân, nghiên cứu đưa vào lịch trình tham quan, tour du lịch…

Để bảo tàng tư nhân phát triển, bà Huỳnh Ngọc Vân đề xuất Nhà nước xem xét có chính sách ưu đãi thuế đối với loại hình này bởi nguồn thu của bảo tàng thường không đủ để vận hành.

Hiện hoạt động của các bảo tàng tư nhân đang áp dụng theo chế độ thuế của doanh nghiệp, chưa được hưởng ưu đãi thuế ở một số dịch vụ như các bảo tàng công lập.

Để bảo tàng tư nhân hoạt động bài bản cần đầu tư nhiều kinh phí cho diện tích, công tác nghiên cứu, sưu tầm, hoạt động giáo dục, trải nghiệm…/.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×