Thanh Hóa: Xu hướng “du lịch xanh”
14/06/2021 | 10:17Trong vài thập kỷ trở lại đây, xu hướng “du lịch xanh” hay du lịch sinh thái là xu hướng ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thị trường du lịch sinh thái hiện đang phát triển mạnh so với các thị trường khác. Do đó, những khu vực còn giữ được sự cân bằng và đa dạng sinh học, cũng đồng thời nắm giữ một lợi thế so sánh lớn trong phát triển du lịch, nhất là khả năng thu hút nguồn khách lớn và ổn định.
Các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) được xác định là nguồn tài nguyên quý giá đối với sự phát triển nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên... ngày càng gia tăng như hiện nay, thì việc khai thác phải gắn với bảo vệ hay khai thác một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, khi sử dụng tài nguyên tự nhiên phục vụ phát triển du lịch, lại càng cần nhấn mạnh đến yếu tố bền vững như một giá trị cốt lõi. “Du lịch xanh” phản ánh những lợi ích cả về kinh tế - xã hội và môi trường; đồng thời, phản ánh mối quan tâm của du khách đến sự phát triển bền vững của điểm đến xanh. Ví như các tour “du lịch xanh” thường gắn nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách với việc bảo vệ thế giới tự nhiên, môi trường, động vật hoang dã, đa dạng sinh học tại các VQG, KBTTN.
Thanh Hóa là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên tương đối giàu có, tập trung chủ yếu tại VQG Bến En và 3 KBTTN là Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, nằm trải rộng trên địa bàn các huyện miền núi, nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, núi đá vôi, hang, động, sông, hồ phong phú và đa dạng. Cùng với đó là truyền thống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số thể hiện trong nếp sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, làng nghề... Nổi bật trong đó phải kể đến KBTTN Xuân Liên nằm ở thượng nguồn sông Chu, thuộc địa giới hành chính của 5 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm và Vạn Xuân (huyện Thường Xuân). KBTTN này hiện đang bảo tồn một hệ động, thực vật rừng đa dạng, với 752 loài thực vật bậc cao (38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới), 55 loài thú, 136 loài chim... Bên cạnh đó, Xuân Liên còn có hệ thống thác nước và hang động đẹp. Đặc biệt, một điểm nhấn hấp dẫn của KBTTN này là hồ Cửa Đạt có diện tích mặt nước lên tới 2.828,6 ha - nơi gặp gỡ của nhiều dòng suối, thác nước với cảnh quan thiên nhiên hết sức hữu tình.
Đây là cơ sở quan trọng để du lịch Thanh Hóa có thể nhanh chóng tiệm cận xu hướng “du lịch xanh” hiện nay. Và thực tế, tỉnh ta đã bước đầu khai thác “vốn quý” thiên nhiên bằng việc xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng núi, kết hợp ngắm cảnh thiên nhiên, trải nghiệm đời sống và văn hóa bản địa tại Pù Luông, Xuân Liên, Bến En. Tuy nhiên, trong tương quan so sánh với sản phẩm nghỉ dưỡng biển, thì du lịch sinh thái vẫn chiếm vị trí khá khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân, song điểm yếu cơ bản nhất khiến sản phẩm này vẫn chưa “bật lên” được là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, nhất là đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ. Trong khi đó, các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện, nước còn thiếu; nguồn nhân lực du lịch hạn chế cả về trình độ và kỹ năng nghề. Ngoài ra, du lịch sinh thái là sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, khả năng phát triển độc lập, nhưng việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác vẫn khá hạn chế...
Tuy vậy, việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên cần phải làm một cách cẩn trọng. Thực tế đã có nhiều ví dụ cho thấy việc khai thác “nóng” hay tăng trưởng “nóng” du lịch sinh thái ở một số địa phương trong nước đã đe dọa đến tính bền vững của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học. Bởi về bản chất, du lịch sinh thái bị giới hạn về biên độ phát triển. Nghĩa là, không phải cứ đón được càng nhiều khách càng tốt; mà ngược lại, lượng khách vượt quá khả năng “chứa” của điểm đến sẽ tạo sức ép lên môi trường sinh thái và môi trường văn hóa. Cho nên, thị trường khách của du lịch sinh thái có thể ít nhưng phải “chất” ở khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, có hứng thú, có hiểu biết, có nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Song, khả năng thu hút phân khúc khách tầm trung trở lên của du lịch sinh thái lại phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm. Nghĩa là, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên phong phú; thì các sản phẩm bổ trợ khác cũng cần phong phú, đa dạng nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, cũng đồng thời tạo sức hấp dẫn cho điểm đến. Đây cũng là một yếu điểm của du lịch sinh thái tỉnh ta hiện nay, khi sản phẩm còn khá nghèo nàn, đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chỉ ra rằng, một nền du lịch muốn bền vững phải sử dụng tốt các tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên thiên nhiên, với việc duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, cũng như duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên phải hướng tới bảo vệ môi trường sống một cách tốt nhất cho cả con người và hệ sinh thái tự nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, xây dựng các sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên phải tiệm cận đến các giá trị của “du lịch xanh” - du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm.