Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Xây dựng đời sống văn hóa từ những phong trào ý nghĩa

27/05/2021 | 14:24

Xây dựng đời sống văn hóa không chỉ là hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao; phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; hay xây dựng gia đình, làng bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa...

Thanh Hóa: Xây dựng đời sống văn hóa từ những phong trào ý nghĩa - Ảnh 1.

Cổng làng Quần Lai, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân được đầu tư xây dựng khang trang

Xây dựng đời sống văn hóa còn bắt đầu từ việc tạo dựng đời sống ấm no, hạnh phúc; gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục của dân tộc; bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp - an toàn... Do đó, nhiều phong trào có ý nghĩa và giá trị thực tiễn, đang được nhiều đoàn thể, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Đặc biệt, các phong trào này gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã và đang góp phần tạo dựng nên đời sống văn hóa mới văn minh, tiến bộ và nhân văn.

Cùng với sự ra đời Nghị quyết số 09/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi đến năm 2020” và Quyết định số 289-QĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”, phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo cũng được triển khai rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, để gắn kết công tác xóa đói, giảm nghèo với xây dựng đời sống văn hóa, ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp đã tích cực vận động Nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường và các công trình dân sinh trong xây dựng nông thôn mới. Vận động Nhân dân tham gia các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ liên kết giữa các HTX và hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả. Đồng thời, phát huy thế mạnh nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình đăng ký sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, xây dựng chương trình hỗ trợ học nghề, đào tạo việc làm cho lao động nông thôn... Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân.

Tính đến cuối năm 2019, sau 4 năm triển khai Quyết định 289-QĐ/TU về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giảm được 96.663 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 32.230 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,24% (từ 13,51% xuống 3,27%), bình quân giảm 2,56%/năm (vượt chỉ tiêu giảm bình quân 2,5%/năm). Trong đó, riêng khu vực 11 huyện miền núi giảm 40.890 hộ (từ 57.684 hộ xuống còn 16.794), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 18,48% (từ 25,79% xuống 7,31%), bình quân giảm 4,62%/năm (vượt chỉ tiêu giảm bình quân 4,6%/năm). Cũng theo kết quả tính toán sơ bộ, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo hiện đạt khoảng 1,487 triệu đồng/tháng và cao gấp 2,17 lần cuối năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2020, con số này sẽ đạt khoảng 1,713 triệu đồng/tháng, cao gấp 2,5 lần cuối năm 2015 và đạt mục tiêu Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 đề ra.

Cùng với phong trào đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, việc thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật cũng được chú trọng. Theo đó, ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lao động và các tầng lớp Nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phong trào “3 không” (không có tội phạm và tệ nạn xã hội; không ô nhiễm môi trường; không vi phạm nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội) ở khu dân cư. Đồng thời, vận động người dân đề cao cảnh giác, đấu tranh, tố giác các loại tội phạm; phát huy tốt vai trò hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích xảy ra tại địa bàn...

Phong trào TDĐKXDĐSVH được triển khai rộng khắp còn gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế của từng địa phương mà nhiệm vụ này được thực hiện bằng nhiều hình thức, như học tập chuyên đề (năm 2019 là “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”); tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”... Qua đó, góp phần ổn định tư tưởng, tạo niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trong xây dựng đời sống văn hóa, thì xây dựng môi trường sống sạch - đẹp - an toàn là một nội dung trọng tâm. Theo đó, cùng với sự phát triển sâu rộng của phong trào TDĐKXDĐSVH, nhận thức và hành vi của người dân và cộng đồng về xây dựng môi trường sống sạch - đẹp - an toàn, cũng có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể là công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày càng được chú trọng; truyền thống hiếu học, khuyến học được phát huy; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được bồi đắp và thực hành thường xuyên; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; lối giao tiếp ứng xử lịch sự, văn hóa được đề cao... Đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng lên. Các cơ quan, công sở, khu dân cư đã quan tâm hơn đến việc chỉnh trang, xây dựng khuôn viên, cây xanh, cổng chào và trồng hoa, cây cảnh, cây xanh nhằm tạo môi trường thoáng mát, xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh các phong trào chung, nhiều đoàn thể, cơ quan, đơn vị cũng đã phát động các phong trào mang dấu ấn riêng, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Điển hình như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào TDĐKXDĐSVH, được Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Theo đó, các mô hình tự quản tại địa phương, gắn với phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang được phát huy. Đồng thời, chú trọng vận động người dân không tàng trữ các loại vật liệu nổ; chủ động ngăn chặn từ xa các nguy cơ về mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy”. Cùng với Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng triển khai hiệu quả Đề án 4687 về giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy ở 16 xã biên giới.

Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh cũng triển khai hiệu quả các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường. Điển hình là mô hình “Thu gom, phân loại xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư của MTTQ tỉnh; các mô hình “Dịch vụ môi trường, thu gom rác thải”, “Đường hoa thay thế cỏ dại ven đường”, “Nhà sạch, vườn đẹp” của hội liên hiệp phụ nữ. Cùng với đó, hội nông dân còn phát động các phong trào nông dân “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, “Thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư”, “Dòng sông không rác thải”, “Trồng cây bản địa chắn sóng, ngăn mặn xâm thực”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các mô hình “Bảo vệ dòng sông quê hương”, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Kết quả từ các mô hình, phong trào nêu trên mang lại đã góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường và tạo dựng môi trường sống trong lành ở nhiều địa phương.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×