Thanh Hóa: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống
26/10/2021 | 09:24Xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Muốn vậy, việc xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa được xem là cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa mới.
Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làng Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống) được chọn thí điểm xây dựng làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1997, làng Đông Cao được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Từ thành công của mô hình làng văn hóa Đông Cao, đã có hàng chục, hàng trăm làng bản khắp các vùng miền trong tỉnh, bắt tay xây dựng làng văn hóa. Cho đến nay, đã hơn 30 năm xây dựng đời sống văn hóa, làng cổ Đông Cao vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa, cùng một hệ thống tín ngưỡng cổ xưa. Đó là tục thờ Thành hoàng làng, thờ Thánh Lưỡng; tục kết nghĩa dựa theo quan hệ huyết tộc và tổ chức sinh hoạt, sản xuất; lệ tục toàn dân tham gia công việc làng; các tục lệ ngày tết; tục lệ bảo đảm sản xuất... Đồng thời, cùng với các giá trị văn hóa mới đã và đang định hình, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, đã mang đến cho làng cổ Đông Cao một diện mạo hài hòa cổ - kim.
Bá Thước là nơi sinh sống của ba dân tộc Thái, Mường và Kinh, trong đó người Thái và người Mường chiếm phần đa. Do môi trường sinh sống, làm ăn giống nhau và mối quan hệ khăng khít lâu đời, cho nên giữa các dân tộc có sự giao lưu, gắn kết bền chặt cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Trong những cộng đồng ấy, văn hóa được sáng tạo, nuôi dưỡng và truyền lại cho nhiều thế hệ. Ở đó, cộng đồng người Thái rất giàu kinh nghiệm trong lập mường, lập bản dọc theo các con sông, con suối để thuận cho nghề canh nông. Đồng thời, gắn liền với quá trình lập mường, lập bản là những kinh nghiệm quý trong lao động, sản xuất, sinh hoạt như đắp mương, đắp đập, làm cọn nước, dựng nhà sàn... Đặc biệt, nhà sàn người Thái được xem là điểm nhấn văn hóa hay trung tâm của mọi sinh hoạt sống. Bên trong nhà sàn, việc lựa chọn vị trí đặt bếp lửa rất được coi trọng, với 2 bếp, 1 đặt trong nhà và 1 đặt bên ngoài. Bếp bên ngoài dành cho đàn ông và khách khứa, còn bếp trong nhà dành cho phụ nữ.
Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa được phát động từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã đi vào đời sống cơ sở và tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới trong các gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, gắn với sự ra đời của phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa (từ năm 1989), nhiều phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được xây dựng và duy trì; đồng thời, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Sau hơn 30 năm triển khai xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh, từ mô hình làng văn hóa Đông Cao (xã Trung Chính, Nông Cống), nhiều làng văn hóa mới đã được xây dựng khắp các vùng miền, điển hình là làng Ngọc Liên (xã Nga Liên, Nga Sơn), làng Duy Tinh (xã Văn Lộc – nay là xã Thuần Lộc, Hậu Lộc), Đội 5 (Nông trường Hà Trung), làng Văn Đoài (xã Đông Văn, Đông Sơn)...
Phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã phát triển liên tục, ngày càng lớn mạnh và đi sâu vào đời sống, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân ở nông thôn hưởng ứng mạnh mẽ. Tại các làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đều xây dựng và thực hiện tốt các quy ước, hương ước đảm bảo phát huy quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, bảo đảm sự kế thừa, chọn lọc thuần phong mỹ tục tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, phát triển hoạt động văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Do đó, sự phát triển của phong trào đã góp phần quan trọng, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề và dịch vụ nông thôn”; duy trì phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, phong phú, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng cao; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong xây dựng đời sống văn hóa.
Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới có thể xem là một bước phát triển mới của phong trào xây dựng làng văn hóa. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của người dân vào việc xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp; khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Cùng với đó, phong trào xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị cũng tạo không khí thi đua sôi nổi, nhất là trong việc xây dựng diện mạo cảnh quan môi trường văn hóa ngày càng thân thiện. Phong trào đã mang lại ý nghĩa thiết thực, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại những thay đổi sâu sắc trong cộng đồng dân cư, đáp ứng nguyện vọng của mọi tầng lớp Nhân dân về nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường văn hóa đô thị.