Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Vượt thách thức để nối lại đà tăng trưởng du lịch

04/01/2021 | 09:43

Du lịch Thanh Hóa năm 2020 bất ngờ chững lại, sau nhiều năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách và tổng thu. Giữa bối cảnh vô vàn khó khăn, song vẫn có những nhân tố mới xuất hiện, có khả năng tạo đột phá để nối lại đà tăng trưởng cho ngành “công nghiệp không khói”.

Thanh Hóa: Vượt thách thức để nối lại đà tăng trưởng du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan di sản Lam Kinh

Du lịch là ngành có “biên độ” rộng, do mang đậm nét tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Chính vì lẽ đó, đây cũng là ngành dễ bị tổn thương bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Dịch bệnh COVID-19 là một minh chứng nhãn tiền cho điều này, khi nhiều thời điểm trong năm 2020, du lịch hoàn toàn bị “đóng băng” khi các quy định cách ly xã hội được triển khai. Hệ lụy là, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa giảm mạnh, đặc biệt là khách du lịch quốc tế giảm sâu, kéo theo đó là tổng thu từ du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL), tổng lượt khách đến Thanh Hóa trong năm 2020 ước đạt 7.341.000 lượt khách, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ đạt 65,5% kế hoạch năm 2020 (trong đó khách quốc tế đạt 35.550 lượt khách, giảm 88,2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 8,9% kế hoạch năm 2020). Tổng thu du lịch ước đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ đạt 50,7% kế hoạch năm 2020 (trong đó tổng thu từ khách quốc tế là 6.730.000 USD, giảm 92,6% so với năm 2019 và chỉ đạt 5,2% kế hoạch năm 2020).

Mặc dù đối diện với không ít thách thức, song, như nhận định của ông Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT&DL, thì với thế và lực hiện có, ngành du lịch đang có nền móng để khôi phục lại đà tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, có nhiều nhân tố tích cực như môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, với nhiều dự án lớn đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư. Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch là một trong sáu chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ... Đây đều là những căn cứ hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động tối đa các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành du lịch nói riêng.

Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa hội tụ đủ các kỳ quan thiên nhiên, với núi non hùng vĩ và biển cả mênh mông, vốn là tiền đề cho sự hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi hấp dẫn và thôi thúc du khách khám phá, trải nghiệm. Chưa hết, Thanh Hóa vốn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, với hàng trăm di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó có di sản đại diện cho nhân loại và nhiều di sản quốc gia đặc biệt. Đây cũng đồng thời là cơ sở để Thanh Hóa xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh vốn là một thế mạnh. Cùng với các lợi thế so sánh đó, những năm gần đây, du lịch không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nhất là thu hút được nhiều tên tuổi lớn như FLC, Sun Group, Vin Group, ORG, Flamingo...

Thanh Hóa: Vượt thách thức để nối lại đà tăng trưởng du lịch - Ảnh 2.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn

Đồng thời với đó là nhiều dự án đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ quốc gia đã và sẽ ra đời. Điển hình là Dự án Sầm Sơn golflinks và Khu đô thị sinh thái FLC (giai đoạn 2, của Tập đoàn FLC) có tổng vốn đầu tư 6.218 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh (của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến), có tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng... Cùng với đó là các dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En và Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group; Khu đô thị sinh thái du lịch ven sông Mã của Tập đoàn FLC; Khu đô thị sinh thái ven biển Quảng Nham và Quảng Thạch của Tập đoàn ORG; Tổ hợp thương mại, nghỉ dưỡng Hoằng Trường của Công ty CP Tập đoàn Flamingo...

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với du lịch. Song, ở một góc độ khác, những bài học rút ra từ việc ứng phó với đại dịch đã đặt ra yêu cầu mới cho du lịch. Đó là sự chủ động thích ứng hay khả năng ứng phó trước sự biến động khó lường của đời sống kinh tế - xã hội. Nói cách khác, ngành du lịch phải dự đoán và đề xuất được những kịch bản tăng trưởng mới, với sự định hướng rõ ràng, cụ thể về cơ chế, chính sách và nguồn lực cho du lịch. Đối với ngành du lịch Thanh Hóa, như chia sẻ của Giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Nguyên Hồng, thì trước hết phải tập trung triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch, nhằm bảo đảm phát triển du lịch an toàn, thích ứng với tình hình mới. Qua đó, sớm phục hồi du lịch và đạt được cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2021.

Cùng với đó, ngành du lịch Thanh Hóa cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về du lịch, đặc biệt là truyền thông trên mạng xã hội. Đồng thời, tích cực tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Huy động tối đa nguồn lực từ các địa phương và doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa và có khả năng cạnh tranh cao. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao; quan tâm phát triển lao động du lịch cộng đồng; chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch...

Năm 2021, du lịch Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 11.900.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế là 463.000 lượt khách); tổng thu du lịch là 22.858 tỷ đồng, (trong đó tổng thu từ khách quốc tế là 156.200.000 USD). Thiết nghĩ, đây sẽ là những con số tăng trưởng nằm trong “tầm với”, nếu Thanh Hóa phát huy được các lợi thế sẵn có – nội lực; nỗ lực “làm mới” mình để thu hút được các nguồn lực xã hội to lớn. Đặc biệt là thực hiện tốt kịch bản tăng trưởng và có các giải pháp linh hoạt. Đồng thời, xây dựng và triển khai hiệu quả các “hạ tầng mềm” về cơ chế, chính sách, công nghệ, văn hóa... nhằm tạo động lực cho du lịch cất cánh thực sự vững chắc.


Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×