Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Thực hiện văn hóa, văn minh trong lễ hội

11/04/2023 | 10:26

Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều lễ hội được tổ chức như lễ hội Nàng Han (Thường Xuân), lễ khai hạ của đồng bào Mường huyện Cẩm Thủy, lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội (Bỉm Sơn)...

Thanh Hóa: Thực hiện văn hóa, văn minh trong lễ hội - Ảnh 1.

Lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) thu hút đông du khách.

Một trong những lễ hội có sức hấp dẫn và thu hút đông du khách nhất đó là lễ hội đền Bà Triệu tổ chức vào ngày 11-3 (tức 20-2 năm Quý Mão), để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn thu hút hàng nghìn người đến dâng hương, thế nhưng mọi hoạt động vẫn được đảm bảo an toàn, văn minh. Theo đó, ban tổ chức đã xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức thiết thực, phù hợp với mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Đồng thời, tăng cường bố trí nhân lực phục vụ du khách đến lễ hội, làm tốt việc thu gom đồ lễ, đảm bảo vệ sinh khu di tích. Công tác tổ chức bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội năm 2023 được tổ chức vào ngày 17-3 (tức 26-2 âm lịch), nhằm tri ân Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam; đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tại lễ hội, các nghi thức ở phần lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, tạo nên một không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 285 lễ hội. Thời gian qua, với sự vào cuộc chỉ đạo mạnh mẽ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng sự phối hợp của các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương và các ngành liên quan, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào quy củ, diễn ra theo hướng văn minh, an toàn, tiết kiệm, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Trong tháng 1 và 2, tỉnh Thanh Hóa đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt gần 1.342 tỷ đồng. Trong đó lượng khách tham gia loại hình văn hóa tâm linh, lễ hội chiếm tới 60%.

Thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lễ hội và các vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đồng thời, tuyên truyền để nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội của du khách, người dân địa phương thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu vực di tích. Bài trừ các hiện tượng mê tín dị đoan dẫn đến tình trạng tổ chức cúng tế tràn lan, lãng phí, phô trương. Cùng với đó là lồng ghép việc chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Qua đó nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong hoạt động lễ hội.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×