Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Tháo “nút thắt” cho du lịch gắn với kinh tế biển

29/01/2021 | 09:22

Du lịch Sầm Sơn có lịch sử khai thác và phát triển hơn 110 năm. Song khát vọng xây dựng Sầm Sơn trở thành khu du lịch quốc gia vẫn là nỗi niềm đau đáu của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố. Chính vì lẽ đó, trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng, được ưu tiên tập trung đầu tư.

Thanh Hóa: Tháo “nút thắt” cho du lịch gắn với kinh tế biển - Ảnh 1.

Khách du lịch đến Sầm Sơn sau giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 năm 2020

Được sự hỗ trợ từ phía tỉnh và sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền thành phố trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, du lịch Sầm Sơn nhiều năm trở lại đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, hằng năm, thành phố đều tiến hành rà soát, bổ sung các phương án quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Sầm Sơn. Cùng với đó, thành phố cũng tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục, thể thao đặc sắc, riêng có của Sầm Sơn, mà nổi bật là lễ hội du lịch biển, lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái, lễ hội Carnival đường phố... Nhờ đó, năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

Bắt nhịp đà tăng trưởng tích cực của du lịch Việt Nam và du lịch Thanh Hóa nói chung, du lịch Sầm Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính riêng giai đoạn 2016-2019, tổng lượt khách đến Sầm Sơn đạt 17,535 triệu lượt, bình quân tăng hàng năm là 8,1%; tổng thu du lịch đạt 14.160 tỷ đồng, bình quân tăng hàng năm là 21,62%. Năm 2020, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng Sầm Sơn đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa khống chế thành công dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi hết giãn cách xã hội, thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Điển hình là lễ hội Carnival đường phố gắn với chương trình nghệ thuật “Sầm Sơn - rực rỡ sắc hè” và bắn pháo hoa tầm thấp; giải đua xe đạp TP Sầm Sơn mở rộng năm 2020; đăng cai giải bóng chuyền bãi biển 4x4 toàn quốc năm 2020... Qua đó thu hút và tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi về với Sầm Sơn.

Tuy nhiên, từ thực tế phát triển du lịch thành phố những năm qua cho thấy, mặc dù lượng khách đến Sầm Sơn lớn, nhưng chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế rất ít. Số ngày lưu trú của khách còn ngắn (gần 1,9 ngày/khách), chi tiêu không cao (trung bình 550.000 đồng/người/ngày), nên tổng thu từ du lịch còn thấp. Về cơ bản, du lịch chưa có nhiều chuyển biến về chất; phân khúc khách du lịch chủ yếu là bình dân. Đã có nhiều nguyên nhân được nêu ra và phân tích, trong đó, không thể không nhấn mạnh đến chất lượng sản phẩm du lịch còn thấp, nghèo nàn; chất lượng các dịch vụ lưu trú, ăn uống vẫn ở mức trung bình; thiếu các khu thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm, bảo tàng, triển lãm; thái độ phục vụ, văn hóa giao tiếp với du khách chưa chuyên nghiệp...

Bên cạnh đó, Sầm Sơn cũng chưa đa dạng các loại hình du lịch (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch di sản, du lịch ẩm thực); chưa phát huy được tiềm năng của các ngành kinh tế thế mạnh là thủy sản, nông nghiệp, tiểu thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản. Công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Thanh Hóa nói chung và du lịch Sầm Sơn nói riêng còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch còn thiếu chặt chẽ. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở nhiều khu, điểm du lịch còn chưa hợp lý; các dự án đầu tư còn chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ, nhiều dự án giải phóng mặt bằng chậm, nhiều dự án tiến độ triển khai chậm...

Theo định hướng, Sầm Sơn sẽ phát triển thành đô thị du lịch thông minh dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ và là trung tâm đầu mối liên kết các khu, điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Do đó, phát triển du lịch gắn với kinh tế biển vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp được Sầm Sơn đặc biệt chú trọng. Sầm Sơn sẽ phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng dịch vụ thương mại gắn với phát triển du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa, triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường, từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành thị trường tiêu thụ lớn trong tỉnh. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, kết hợp vận tải mới, chất lượng cao gắn với tuyến du lịch kết nối từ Sầm Sơn đến các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hạ tầng bưu chính, viễn thông, điện lực, dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và du khách.

Cùng với đó, Sầm Sơn chú trọng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nhất là ngành thủy sản. Thu hút đầu tư, nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản theo hướng hiện đại và tạo ra nhiều mặt hàng thủy sản có giá trị cao để xuất khẩu và phục vụ du khách. Đồng thời, phát triển nông nghiệp sạch hữu cơ kết hợp du lịch; chuyển dịch cơ cấu cây trồng nông nghiệp có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của đô thị du lịch như rau, củ, quả sạch, hoa, cây cảnh... Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), nhất là các sản phẩm gắn với phục vụ du lịch. Chú trọng bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng trên núi Trường Lệ, rừng phòng hộ ven biển; quy hoạch và lựa chọn một số loại cây xanh mang tính đặc trưng, có nét riêng của thành phố biển Sầm Sơn để trồng trên các tuyến phố, tạo điểm nhấn cảnh quan cho đô thị du lịch.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×