Thanh Hóa: Tập trung "phá băng" cho ngành du lịch
02/07/2021 | 14:35"Cơn bão" dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành Du lịch cả nước nói chung và du lịch tỉnh Thanh Hóa nói riêng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mọi hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gần như "đóng băng" dù đang trong mùa hè.
Trước thực trạng đó, Thanh Hóa đang tập trung triển khai, đề xuất nhiều giải pháp để sớm khôi phục lại hoạt động du lịch.
Lao đao vì "cơn bão" Covid-19
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 700 doanh nghiệp du lịch và hơn 300 hộ kinh doanh cá thể. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp lữ hành và 16 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký tạm dừng hoạt động; còn lại đa phần các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng. Theo ông Hồng, các đơn vị kinh doanh lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch đạt doanh thu thấp; lĩnh vực lữ hành không có doanh thu, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động nên khó khăn trong việc trả lãi suất ngân hàng, nộp thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê mặt bằng, chi phí điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương nhân viên… Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cạn vốn. Khó chồng khó, khi phần lớn số doanh nghiệp này gần như mất khả năng chi trả trong giai đoạn hiện tại.
Ông Lê Trường Sơn, Giám đốc hai khách sạn tại TP Sầm Sơn cho hay, dịch bệnh bùng phát đúng mùa du lịch, dẫn đến lượng khách đến và lưu trú tại khách sạn hầu như không có. Khách đặt phòng rồi hủy hàng loạt sau khi dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, làm ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu. "Để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch hè, công ty đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp lại khách sạn với chi phí lên đến hàng tỉ đồng, cũng may đây là khách sạn của công ty chứ nếu mà chúng tôi thầu lại của chủ khác thì chắc có lẽ cũng đã đóng cửa lâu rồi. Nếu dịch bệnh không bùng phát trong mùa du lịch, doanh thu mỗi khách sạn sẽ đạt tầm 7 tỉ đồng/tháng, còn như thế này thì xem như bằng không", ông Sơn cho hay.
Còn anh Lê Doãn Sơn, chủ một khách sạn trên đường Hồ Xuân Hương, Sầm Sơn cho biết, đầu năm gia đình ký hợp đồng thuê lại một khách sạn để kinh doanh, chi phí đầu tư ban đầu thì lớn mà giờ không có khách, buộc phải đóng cửa, nếu dịch Covid-19 kéo dài gia đình không biết phải tính như thế nào. "Phải nói là chúng tôi kiệt sức vì dịch, do vậy rất cần Nhà nước hỗ trợ mới mong cầm cự nổi", anh Sơn buồn bã chia sẻ.
Đi tìm giải pháp
Mới đây, Sở VHTTDL đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho doanh nghiệp Du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với lãi suất 0%. Ưu tiên nguồn ngân sách để hỗ trợ các chương trình kích cầu du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế để khôi phục thị trường khách du lịch. Sở cũng đề xuất với Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như: Ưu tiên triển khai tiêm vắcxin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động đang làm việc tại các cơ sở lưu trú làm địa điểm đón khách cách ly; hỗ trợ 50% phí thẩm định công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1-5 sao, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế được vay lại tiền ký quỹ không lãi suất; cơ cấu lại các khoản nợ, giảm và gia hạn thời gian trả nợ vay; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay... cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, có chính sách kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm mà không tính lãi phạt chậm nộp nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế, để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch Thanh Hóa, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ... Ông Phạm Nguyên Hồng cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá "Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện du lịch hấp dẫn, trong đó điểm nhấn là du lịch biển để thu hút khách du lịch. "Trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các gói kích cầu tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh qua đường hàng không; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, ứng dụng chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh trong việc tuyên truyền, quảng bá, quản trị doanh nghiệp", ông Hồng cho biết thêm.
Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị, doanh nghiệp du lịch về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch như khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code, đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn"./.