Thanh Hóa: Tăng “sức nóng” cho du lịch những tháng cuối năm
12/09/2022 | 08:40Với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” và nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, tiếp đà phát triển từ mùa cao điểm du lịch hè, các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đang chủ động xây dựng nhiều tour du lịch, sản phẩm mới thu hút du khách đến với Thanh Hóa trong những tháng cuối năm.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua Thanh Hóa đón gần 250 nghìn lượt khách đến các khu, điểm du lịch, tăng 34,4% so với kỳ nghỉ lễ 2-9-2019, phần nào cho thấy sức bật của du lịch Thanh Hóa trong quá trình phục hồi. Ghi nhận qua các kỳ nghỉ lễ kể từ khi du lịch mở cửa trở lại đến nay, các chỉ tiêu du lịch đều vượt mức kế hoạch đề ra. Đặc biệt, thời gian lưu trú và công suất phòng ở các khu, điểm đều tăng mạnh. Trong đó, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) là một điển hình, đạt 100% công suất phòng. Tiếp đà phát triển, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã sớm xây dựng kế hoạch thu hút khách trong những tháng cuối năm. Theo ghi nhận, chương trình kích cầu du lịch có sự thay đổi, chuyển hướng từ giảm giá dịch vụ sang gia tăng trải nghiệm, ưu đãi kèm theo combo.
Phó Giám đốc khu nghỉ dưỡng Pù Luông Bocbandi Retreat (Bá Thước) Lê Minh Trình cho biết: “Trong những tháng cuối năm, cùng với kênh giới thiệu dịch vụ trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh tiếp cận khách hàng trên các kênh online như: Agoda, Traveloka, booking.com... Cùng với đó là xây dựng kế hoạch chương trình ưu đãi, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ vào dịp cuối tuần... nhằm tăng tính hấp dẫn du khách. Mặc dù vậy, giá phòng lưu trú và dịch vụ ăn uống cơ bản vẫn giữ mức bình ổn như những tháng vừa qua”.
Cũng theo ông Lê Minh Trình, vào dịp cuối năm, phần lớn khách đặt phòng là du khách nối tour từ Hà Nội, Hòa Bình và nhóm khách lẻ nội tỉnh, do đó khu nghỉ dưỡng sẽ sắm thêm xe đạp để khách có thể đạp xe đi dạo, tham quan bản làng và đồng ruộng xung quanh. Hiện đã có nhiều đoàn khách đặt phòng trong các tháng 9, 10 thậm chí cả tháng 11. Công suất đặt phòng trong tháng 9 (kể từ sau dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9) hiện đạt khoảng 50 - 60%.
Trong những tháng cuối năm, hầu hết các điểm đến, sản phẩm du lịch mới tại Thanh Hóa đều hướng đến khai thác tối đa tiềm năng du lịch 4 mùa; lợi thế đặc trưng thiên nhiên, văn hóa mùa thu - đông của địa phương. Trong đó, nhiều đơn vị đang hoàn thiện sản phẩm mới, trọng tâm là những trải nghiệm những đặc trưng vùng miền như: mùa vàng Pù Luông, mùa thu Lam Kinh, nghỉ dưỡng biển...
Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: Khách đến với khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông phần lớn đều muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Do vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đấu mối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tổ chức các hoạt động khảo sát; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; định hướng xây dựng sản phẩm phù hợp trong những tháng cuối năm. Trong đó, tập trung phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tắm lá, trị liệu thảo dược; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, khám phá văn hóa bản địa.
Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp du lịch, các cấp, ngành chức năng đã, đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các bản ký kết, ghi nhớ, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước về hợp tác phát triển du lịch. Trong đó chú trọng giới thiệu, quảng bá những điểm đến thế mạnh, đặc thù của tỉnh Thanh Hóa trong những tháng cuối năm như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), khu du lịch sinh thái bản Năng Cát (Lang Chánh)... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch theo kế hoạch như: lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân), lễ hội đền Bình Khương (Vĩnh Lộc), kỷ niệm 450 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa - quân sự Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ (thị xã Nghi Sơn), Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 (Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh), lễ mừng cơm mới và lễ hội đua thuyền lần thứ IV năm 2022 (Thường Xuân), Ngày văn hóa Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hóa (TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa), Ngày văn hóa Ấn Độ tại tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa), Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 (TP Thanh Hóa), tổ chức, giới thiệu tour, tuyến, điểm du lịch bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội... nhằm tạo hiệu ứng, thu hút đông đảo du khách.
Theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa Du lịch - Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhận định: Ngành du lịch Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội vượt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách trong năm 2022. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần lưu ý rằng, việc kích cầu du lịch thông qua các chương trình ưu đãi, giảm giá dịch vụ hiện nay không còn quá quan trọng, thay vào đó cần làm mới các sản phẩm du lịch nổi bật của Thanh Hóa như: văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch đường sông, khám phá trải nghiệm... Đẩy mạnh kết nối với các các địa phương có nguồn khách du lịch lớn; phát triển dịch vụ chất lượng cao và xây dựng sản phẩm phù hợp trong những tháng cuối năm nhằm thu hút khách ở các thị trường mục tiêu.