Thanh Hóa: Tăng cường quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch
19/09/2022 | 17:03Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ, đưa du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Theo đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tiếp tục được xác định là đòn bẩy để phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Quảng bá, xúc tiến gắn với đổi mới phát triển du lịch
Trong giai đoạn 2016-2021 Thanh Hóa đã dành 49,509 tỷ đồng cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức so với giai đoạn trước đó. Trong đó, tập trung vào nhiều hoạt động, như đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội; tổ chức đón tiếp các đoàn đại sứ, báo chí, truyền thông lớn của 7 quốc gia đến khảo sát, quảng bá về Thanh Hóa, như: Đài BBC - vương quốc Anh, NHK - Nhật Bản, Al-Mekhual - Kuwait, China Daily - Trung Quốc...
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn trong cả nước, các địa phương có kết nối đường bay. Đồng thời tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại tầm cỡ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức trang trọng các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội lớn nhằm quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch... tạo sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại thị trường nước ngoài, như: Tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại thị trường các nước trong khu vực (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...) và các nước châu Âu (Liên bang Nga, Pháp, Đức...); xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Mỹ; mở đường bay thẳng charter Thanh Hóa - Băng Cốc (Thái Lan) do Công ty Vietravel thực hiện...
Với chuỗi hoạt động quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu thực tế của tỉnh. Cùng với đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.411 tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước... Với những giải pháp thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, hình ảnh về Thanh Hóa ngày càng được quảng bá rộng rãi, góp phần thu hút trên 38,5 triệu lượt khách.
Tận dụng thế mạnh cách mạng công nghiệp 4.0 để quảng bá
Với sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng tiêu dùng hiện đại, quảng bá trên truyền hình đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các hình thức e-marketing trên internet, mạng xã hội, thiết bị di động. So sánh với một số trọng điểm du lịch cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam... có thể thấy những địa phương này có nhiều hướng quảng bá, xúc tiến khác nhau mà Thanh Hóa hầu như chưa có hoặc chưa thực hiện bài bản. Chẳng hạn, với mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp du lịch đã duy trì cả tài khoản facebook, Instagram, Google+...
Trong khi đó, trang fanpage “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn và hấp dẫn” được phát triển bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Hiệp hội Du lịch tỉnh, nội dung còn khá đơn giản, với lượng người quan tâm, chia sẻ và tương tác ở mức khiêm tốn. Đó là chưa kể đến các thông tin quảng bá, xúc tiến trên các website của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch, Sở VHTT&DL nội dung chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, mong muốn của du khách cũng như doanh nghiệp.
Thực tế, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch hạn chế có nhiều nguyên nhân. Và chỉ khi tam giác “ngành - địa phương - doanh nghiệp” cùng phát triển, vào cuộc đồng bộ mới mong tạo được hiệu quả cao cho công tác quảng bá, xúc tiến. Tại một số diễn đàn, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh đã chỉ rõ: Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trước hết mang lợi ích về cho doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, đa phần doanh nghiệp vẫn chưa nhập cuộc, thậm chí thờ ơ. Nói đúng hơn, một số doanh nghiệp chỉ biết hưởng lợi nhưng chưa có trách nhiệm chung trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến cũng như trách nhiệm đối với sự phát triển du lịch của cả tỉnh.
Một hạn chế khác được chỉ ra đó là, dù một số công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, đưa các phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý, cung ứng dịch vụ cho du khách nhưng vẫn có tới hơn 60% số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đến quảng bá. Nhiều website du lịch còn sơ sài cả hình thức lẫn nội dung, chưa có giao dịch trực tuyến, ngôn ngữ đơn thuần là tiếng Việt... Du khách muốn thêm một vài thao tác để kiểm chứng thông tin về điểm đến hay sản phẩm thì sẽ rất khó tìm kiếm.
Theo đó, để đẩy mạnh và phát huy vai trò của quảng bá, xúc tiến trong phát triển du lịch, sẽ cần triển khai những giải pháp đồng bộ về xây dựng nội dung truyền thông; giải pháp về sử dụng công cụ, phương pháp truyền thông trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; giải pháp liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa với cơ chế hoạt động phải chú trọng công - tư, lấy hiệu quả - kết quả cụ thể có thể đo lường làm thước đo đánh giá...
Giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Nguyên Hồng, cho biết: Đối với công tác quảng bá, xúc tiến trong tình hình mới sẽ chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức, trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch. Hướng đến thị trường nước ngoài và coi trọng mở rộng thị trường khách du lịch nội địa. Đồng thời, đổi mới cách thức, nội dung, đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, phát huy sức mạnh của truyền thông và đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội... nhằm xây dựng thành công thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương, vùng của các nước đã thiết lập quan hệ với tỉnh Thanh Hóa để phát triển sản phẩm. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch...