Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch

27/07/2021 | 13:34

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã xác định “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch trải nghiệm tuyến “Ngược xuôi sông Mã”.

Từ sự định hướng này, những năm qua, công tác phát triển du lịch nói chung, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực nói riêng, đã được tỉnh Thanh Hóa chú trọng. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa xác định du lịch là một trong 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có khả năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh nên đã tập trung chỉ đạo, điều hành và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, ban hành chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án nhằm phát triển du lịch; UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính... nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển ngành kinh tế du lịch mũi nhọn. Đặc biệt, du lịch đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, an ninh, an toàn.

Mặc dù vậy, hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch có lúc có nơi còn chưa cao. Đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch và triển khai các dự án đầu tư du lịch vẫn chưa quyết liệt và triệt để. Nhận thức về môi trường và phát triển du lịch bền vững chưa thực sự được coi trọng; việc thiếu trách nhiệm hoặc trách nhiệm không rõ ràng giữa địa phương, các cơ quan quản lý, dẫn đến ô nhiễm, nguy cơ phát triển không bền vững. Chẳng hạn, vấn đề thu gom rác thải ở các bãi biển tuy được cải thiện, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm; tại các khu di tích, việc thu gom và tiêu hủy rác còn chậm trễ, nhất là vào thời điểm tổ chức các lễ hội; một số doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ môi trường tương đương. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dù đã có chiều hướng giảm nhưng chưa bền vững. Đặc biệt, vấn đề an ninh trật tự tại một số khu du lịch trọng điểm chưa được thắt chặt, các vụ gây rối mang tính tổ chức vẫn còn xảy ra (tại Khu du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa)...

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, ngày 31-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh, vấn đề an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trong phạm vi cả nước hiện vẫn đang tồn tại một số bất cập, như chưa giải quyết tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển du lịch; việc triển khai một số dự án đầu tư du lịch có nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tác động tiêu cực đến môi trường và thế trận quốc phòng - an ninh, làm nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây bức xúc dư luận; cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch còn “kẽ hở” để các tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt Nam lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là tình trạng người nước ngoài mua bán, thuê mượn tư cách pháp nhân để đầu tư “chui”, “núp bóng” tại các địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch chưa quyết liệt, triệt để...

Theo đó, ngày 17-6-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 146/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Kế hoạch đã xác định rõ, bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Đồng thời, quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trọng tâm là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5-9-2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX...

Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an Nhân dân, vai trò của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương liên quan trong xây dựng, triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch, từ khâu lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững, đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch; chủ động phát hiện, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm sai phạm gây cản trở sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan trong lĩnh vực du lịch theo hướng vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư và khách du lịch vào địa bàn tỉnh, vừa góp phần bịt kín “kẽ hở”, không để các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực dự báo, chủ động có các phương án, giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh...

Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy vậy, để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng; cũng đồng thời là thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10 trong bối cảnh du lịch đang đứng trước nhiều thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, thiết nghĩ, du lịch Thanh Hóa còn nhiều việc phải làm. Trước hết, đó là chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực...) để phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19; xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng thời, quan tâm đào tạo nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của lực lượng lao động du lịch; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành nghĩa vụ thuế và hoạt động của các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch và các dự án du lịch, nhất là tại khu vực biên giới, ven biển, hải đảo có ảnh hưởng đến công tác bảo vệ quốc phòng - an ninh...

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×