Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý điểm di tích văn hóa tâm linh dịp cuối năm
24/12/2021 | 08:19Theo tín ngưỡng của người Việt, nếu như thời điểm đầu năm đến đền, chùa để cầu tài, cầu lộc thì thời điểm cuối năm thường là dịp để người dân và du khách thập phương đi trả lễ, đáp lễ. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các địa phương trên địa bàn tỉnh, ban quản lý (BQL) di tích cần quan tâm, thắt chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch tại mỗi điểm đến.
Trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, đền Sòng và đền Chín Giếng là những điểm đến văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái vào mỗi dịp lễ, tết. Nếu như dịp đầu năm, thị xã Bỉm Sơn thu hút du khách thập phương đến với ngày lễ Thánh Mẫu hạ giới - lễ hội đền Sòng (từ ngày 10 đến ngày 26-2 âm lịch), với điểm nhấn là lễ rước Thánh Mẫu từ đền Sòng đến đền Chín Giếng và tế nữ quan; thì bước sang tháng 9 (âm lịch) là tháng có rất nhiều ngày lễ quan trọng theo tín ngưỡng thờ Tứ Phủ. Trong đó, Tiệc cô Chín Sòng, cô Chín Giếng, với những buổi cung nghinh khánh tiệc lớn, thu hút người dân, du khách gần xa. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lượng người đến dự “tiệc Cô” giảm mạnh so với mọi năm, song công tác phòng, chống dịch được đặc biệt quan tâm.
Theo ghi nhận, ở tất cả khu vực ra vào, BQL các điểm di tích đều bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế. Đồng thời bố trí nhân viên theo dõi, hướng dẫn khai báo y tế, nhắc nhở người dân, du khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại khu vực đông người. Cùng với đó, vào những thời gian cao điểm, thị xã Bỉm Sơn đã bố trí nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn túc trực tại đền Sòng để thực hiện test nhanh COVID-19 cho người dân đến dâng hương, vãn cảnh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ở các khu vực thờ tự, BQL đã bố trí nhân viên theo dõi, nhắc nhở người dân không được tập trung quá lâu, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang trong suốt thời gian dâng hương, hành lễ. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm nay các điểm di tích của thị xã không nhận các bản hội đến hầu đồng. Bên cạnh đó, trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch cũng đã bố trí camera ở tất cả các điểm đến, bố trí tổ theo dõi và chỉ đạo chung.
Tại huyện Như Thanh, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, BQL các di tích về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong các hoạt động lễ hội; di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Theo ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, bám sát chỉ đạo của các cấp, sở, ngành và ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện, tất cả các điểm di tích văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện đều tổ chức phun khử khuẩn, tiêu độc xung quanh khu vực di tích và khu vực thờ tự định kỳ. Mặc dù lượng khách chủ yếu tập trung vào dịp đầu xuân, song công tác phòng, chống dịch được quan tâm, thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ ở mọi thời điểm. Đồng thời, huyện cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm di tích. Nhân dân và du khách khi đến các điểm di tích dâng hương, vãn cảnh bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rút ngắn tối đa thời gian lưu lại di tích, đảm bảo nguyên tắc không tập trung quá đông người cùng một thời điểm tại các khu vực thờ tự và di tích.
Cùng với đó, nhiều điểm đến di tích lịch sử, văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)... địa phương đã cùng với các cơ quan, lực lượng chức năng, BQL di tích thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Các khu vực như bãi gửi xe, khu bán vé, khu tiếp đón du khách đều có bảng hướng dẫn thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Mặt khác, trong thời gian tạm ngừng hoạt động phục vụ khách, các điểm di tích đã tranh thủ thời gian để thực hiện các biện pháp như: phun thuốc khử trùng, dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực di tích để phòng dịch.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VHTTTTDL) TP Sầm Sơn, Nguyễn Thị Nga cho biết: Mặc dù, bước sang những tháng cuối năm, du lịch biển gần như tạm ngừng hoạt động, theo đó, các điểm di tích như: đền Cô Tiên, đền Độc Cước, đền thờ Tô Hiến Thành cũng trở nên vắng khách. Tuy nhiên, vào ngày tuần, ngày lễ Nhân dân trên địa bàn và một số địa phương lân cận vẫn đến dâng hương, vãn cảnh. Chính vì vậy, tại những điểm đến này, ngoài việc bố trí các biển, bảng khuyến cáo về phòng, chống dịch, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, chúng tôi còn bố trí nhân viên của trung tâm phối hợp với thủ từ tại đền trong công tác giám sát và ghi chép đầy đủ thông tin của người dân khi đến đây. Đồng thời theo dõi, giám sát qua hệ thống camera tại tất cả các điểm.
Trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, BQL di tích trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các hoạt động lễ hội; di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng. Thời điểm cuối năm, mặc dù lượng khách đến các điểm di tích, văn hóa tâm linh giảm mạnh, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các huyện, thị xã, thành phố có các di tích thu hút đông người dân và du khách cần cử cán bộ cắm chốt tại địa bàn, trực tiếp theo dõi diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch.