Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Phục hồi du lịch gắn liền với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19

04/03/2022 | 08:35

Trong suốt hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến toàn ngành du lịch. Trong bối cảnh khó khăn chung, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó với dịch bệnh và phục hồi du lịch theo hướng “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”. Sau mỗi lần “đóng - mở”, Thanh Hóa luôn là tỉnh được đánh giá tiên phong trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch và là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để đón khách mở rộng trở lại.

Thanh Hóa: Phục hồi du lịch gắn liền với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Với hệ tiện ích nội khu đồng bộ khép kín, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn luôn được du khách ghi nhận và đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn của điểm đến. Ảnh: Hoài Anh

Từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng chưa thể triển khai mở rộng khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gần như “ngưng trệ”; lao động lĩnh vực du lịch không có việc làm; nhiều doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực phải đóng cửa, thậm chí giải thể... Với quyết tâm cao nhất ở mọi thời điểm “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương lân cận, theo lộ trình mở cửa từng bước. Trước hết là khách du lịch nội tỉnh với các “điểm đến xanh”, tiếp đến là khách du lịch tỉnh ngoài đến từ các “vùng xanh”, sau đó sẽ mở ra đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thiện kế hoạch xây dựng được luồng liên kết an toàn và ban hành Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch (PCD) COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp và các khu, điểm du lịch có thể căn cứ để hoàn thiện các điều kiện để trở thành “điểm đến xanh”.

Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) được tỉnh lựa chọn thí điểm mở cửa đón khách nội địa từ cuối tháng 10-2021. Theo lộ trình, các điểm đến xanh, vùng xanh sẽ được công khai, thường xuyên cập nhật tour tuyến, cung đường an toàn trên bản đồ du lịch. Để đảm bảo các điều kiện đón khách, giữ vững “vùng xanh” trên bản đồ du lịch, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các sở, ngành liên quan, huyện Bá Thước đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đến từng địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, huyện cũng đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định PCD theo quy định tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, kể cả dịch vụ homestay tại các hộ dân. Kiên quyết không cho mở cửa đón khách đối với các cơ sở không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đảm bảo an toàn PCD COVID-19.

Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, thời gian qua quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn đã “kích hoạt lá chắn” kiểm soát phòng dịch 24/7, đảm bảo quy trình vệ sinh nâng cao, 100% cán bộ, nhân viên, người lao động đều đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19, được tập huấn chuyên sâu về quy trình đón và phục vụ khách an toàn. Phát huy thế mạnh với hệ tiện ích nội khu đồng bộ khép kín, gồm có lưu trú - ẩm thực - chăm sóc sức khỏe - vui chơi giải trí trong dịp Tết Nguyên đán, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn đã mang đến cho du khách kỳ nghỉ trọn vẹn, an toàn “Tất cả trong một” mà không phải tiếp xúc hay tập trung nhiều người, được du khách ghi nhận và đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn của điểm đến.

Sau một thời gian triển khai và đón khách, các điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã dần khẳng định niềm tin và thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Nhờ vậy, những ngày đầu xuân mới Nhâm Dần du lịch nội tỉnh đã có những bước khởi sắc đáng kể, lượng khách và doanh thu đều tăng trưởng hơn so với dịp Tết Nguyên đán năm trước. Trong đó, yếu tố an toàn cho du khách, doanh nghiệp và điểm đến du lịch luôn được đặt lên hàng đầu.

Với các điều kiện và việc đảm bảo an toàn tại các khu, điểm du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Thanh Hóa hoàn toàn có thể đón khách từ các vùng xanh trong cả nước về với địa phương mình. Tuy nhiên, cần kiểm tra lại năng lực và khả năng đón khách an toàn của các doanh nghiệp du lịch. Bước đầu, Thanh Hóa cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh phía Bắc để xây dựng sản phẩm chung và có thỏa thuận hợp tác chung, kết hợp với nguồn lực có sẵn. Trong khi chờ đợi đón khách quốc tế, cần tập trung toàn lực cho phục hồi du lịch nội địa. Tổng cục Du lịch sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp tổ chức các đoàn khảo sát đánh giá về khả năng đón khách và các điều kiện an toàn đón khách để Thanh Hóa sớm khôi phục trở lại hoạt động du lịch.

Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), việc Chính phủ cho phép “mở cửa” theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là rất linh hoạt, tạo điều kiện cho các địa phương phục hồi và phát triển du lịch cả nước trong bối cảnh bình thường mới. Để phục hồi du lịch trong tình hình mới cần thiết phải chú trọng 3 yếu tố: an toàn, mở và đồng bộ. Trong đó, yếu tố an toàn là phải làm thế nào để người dân, du khách có niềm tin đến với các điểm đến, sử dụng dịch vụ. Khi đến các điểm du lịch họ cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ và có nguyện vọng quay trở lại. Hiện nay, Sở VHTTDL đã ban hành và hướng dẫn triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chính sách mở cửa cần linh hoạt, nhất quán. Bởi trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ giữa các địa phương. Một số địa phương ban hành văn bản, áp dụng các biện pháp PCD khiến các doanh nghiệp du lịch lúng túng trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, các quy định PCD, cách ly còn khác biệt giữa các địa phương cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động phục hồi du lịch chung.

Sau 4 lần “đóng - mở”, ngay từ giữa tháng 10-2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động VHTTDL. Đồng thời Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn”, góp phần từng bước phục hồi ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân; đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn PCD, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.

Để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho việc mở cửa đón khách du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động ngành du lịch và ban hành Bộ tiêu chí an toàn PCD COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ phía Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các bên liên quan và sự chủ động từ phía các sở, ngành và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, chính là những yếu tố để Thanh Hóa từng bước mở cửa lại du lịch theo hướng an toàn, bền vững.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×