Thanh Hóa: Phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch
22/12/2020 | 09:51Đi du lịch, hiểu một cách đơn giản là cách thức con người chi tiêu để “mua về” sức khỏe thể chất, tinh thần, hay thỏa mãn nhu cầu khám phá thế giới. Trong quá trình ấy, người đi du lịch cũng sẵn sàng mở hầu bao cho các sản phẩm lưu niệm có ý nghĩa, giàu giá trị (sức khỏe, tinh thần...). Bởi sản phẩm lưu niệm cũng là một cách thức để du khách lưu giữ ấn tượng và kỷ niệm về nơi họ từng đặt chân đến.
Thanh Hóa có 1 đô thị du lịch Sầm Sơn và nhiều khu, điểm du lịch biển nổi tiếng như Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông - Nghi Sơn...; cùng hàng chục khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan văn hóa các loại. Trong đó, du lịch văn hóa nổi bật với Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Nưa - Am Tiên, động Từ Thức, đền Mai An Tiêm, đền Sòng Sơn, hang Con Moong... Du lịch sinh thái, cộng đồng với Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, bản Năng Cát - thác Ma Hao, suối cá Cẩm Lương, thác Voi, thác Mây, hồ Cửa Đạt... Nhờ đó, mỗi năm Thanh Hóa đón hàng triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Với tiềm năng lớn và ngày càng hấp dẫn du khách, có thể nói, du lịch đang tạo ra thị trường đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ các mặt hàng lưu niệm, nhất là các đặc sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Qua khảo sát cho thấy, hiện các sản phẩm lưu niệm mới chỉ bày bán ở một số khu, điểm du lịch như Sầm Sơn với các sản phẩm chủ yếu là áo phông in chữ Hè Sầm Sơn; các đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ ốc, trai, nhựa, thạch cao, san hô, gỗ; quạt giấy, quạt nhựa; tranh phong cảnh Sầm Sơn. Thành Nhà Hồ có tranh Thành Nhà Hồ, các vật dụng khay, đĩa in ảnh Thành Nhà Hồ và một vài sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Suối cá Cẩm Lương có một số loại đặc sản địa phương, quần áo, đồ mỹ nghệ. Các khu, điểm khác chủ yếu bán các đồ lưu niệm như quạt giấy, quạt nhựa, các vật dụng trang trí.
Tuy vậy, rất khó để tìm thấy ở các khu, điểm du lịch này những mặt hàng lưu niệm vừa khác biệt, độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh. Trong khi, về ẩm thực, Thanh Hóa nổi tiếng với bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, nem chua Tào Xuyên, rượu Cầu Lộc, chè lam Phủ Quảng... Về đồ mỹ nghệ, Thanh Hóa có hàng trăm làng nghề và nghề truyền thống lâu đời, với nhiều sản phẩm từ lâu đã nức tiếng khắp cả nước và hiện được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, các nước châu Âu. Thế nhưng, nhiều sản phẩm làm ra chưa tiếp cận được với khách du lịch, do chưa có nơi trưng bày và giới thiệu đến du khách. Đồng thời, một cuộc khảo sát liên ngành tại một số cơ sở sản xuất đá quý, đồ đồng, đỗ gỗ mỹ nghệ, nem chua, thực phẩm sạch... cho thấy, đa phần mẫu mã các sản phẩm chưa thích ứng nhu cầu thị trường. Trong khi, hầu hết cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tập trung. Đặc biệt, việc tiếp cận và kết nối giữa các cơ sở sản xuất/làng nghề với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các khu, điểm du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hiện vẫn là khâu yếu.
Khách quan nhìn nhận, mặc dù Thanh Hóa đón lượng khách du lịch lớn, nhưng mức độ chi tiêu của du khách thường không cao. Một phần nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh sự nghèo nàn các sản phẩm - dịch vụ bổ trợ, thì sự thiếu vắng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phù hợp là một sự thua thiệt lớn cho ngành du lịch. Chính vì lẽ đó, trong Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh ta đã đề xuất 10 sản phẩm lưu niệm mang biểu trưng du lịch tỉnh Thanh Hóa. Bao gồm Khối pha lê Tượng đài anh hùng Lê Lợi; Thủy tinh pha lê quả cầu hòn Trống Mái; Bình trà sứ in ảnh các biểu trưng du lịch; Đĩa hòn Trống Mái; Móc khóa in hình ảnh du lịch; Cốc giữ nhiệt; Tranh thêu cầu Hàm Rồng và Thành Nhà Hồ; Quạt in hình ảnh biểu trưng du lịch; Tranh khắc đồng bia Vĩnh Lăng và Thành Nhà Hồ; Mặt trống đồng. Đây đều là những sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị về vật chất lẫn văn hóa - tinh thần - thẩm mỹ. Do vậy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ này có khả năng đại diện cho du lịch Thanh Hóa và với vẻ đẹp đặc trưng, đó sẽ là những mặt hàng lưu niệm có giá trị và hấp dẫn du khách.
Nhằm định hướng phát triển và hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm xúc tiến, quảng bá các sản phẩm làng nghề. Đặc biệt là khảo sát để đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình, tour, tuyến du lịch. Đồng thời, tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, nhà sản xuất đến thị trường là các khu, điểm du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa địa phương; giải quyết đầu ra bền vững cho các mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ; thu hút các nhà cung cấp nhỏ lẻ tham gia vào thị trường du lịch và tạo ra điểm khác biệt cho du lịch của tỉnh Thanh Hóa, với các mặt hàng lưu niệm tinh xảo, độc đáo và có bản sắc riêng. Ngoài ra, bản thân các công ty lữ hành, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh luôn muốn đa dạng hóa sản phẩm, liên kết tour tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ... Cho nên, chính các đơn vị cũng cần chủ động kết nối với các cơ sở sản xuất, nhằm hấp dẫn và tăng mức chi tiêu của du khách. Đồng thời, góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch (tham quan, trải nghiệm làng nghề) có khả năng bổ trợ đắc lực cho các sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm thế mạnh của tỉnh.