Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch hiệu quả, bền vững

01/03/2022 | 08:55

Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái, tự nhiên và văn hóa kết hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền nông nghiệp hiện đại, những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm đã được phát triển trên địa bàn tỉnh. Tuy bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan song đây chỉ là sự phát triển tự phát, chưa có lộ trình cụ thể. Do đó, các sở, ngành, địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp gắn với du lịch hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân.

Thanh Hóa: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch hiệu quả, bền vững - Ảnh 1.

Điểm du lịch cộng đồng bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) (ảnh tư liệu).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, cá nhân trên địa bàn tỉnh phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, UBND tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường, giao thông, viễn thông, điện, nước đến các vùng, địa phương. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND, ngày 16-10-2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường, như: các sản phẩm rau, quả thủy canh, dưa vàng Kim Hoàng hậu, các sản phẩm gạo sạch, gạo thảo dược... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp gắn với du lịch đã được đầu tư quy mô, như: Nông trại Golden Cow, thuộc xã Lương Sơn (Thường Xuân); Xứ Thanh Eco-villa, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Khu Du lịch nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, thôn Thịnh Vạn, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa); Nông trại Ánh Dương, xã Định Hải (Yên Định)...

Chị Nguyễn Ngọc Ánh, du khách từ Hà Nội, cho biết: Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, gia đình về nghỉ tết tại Thanh Hóa, theo giới thiệu đã tìm đến khu nông trại Ánh Dương tại huyện Yên Định để tham quan, du xuân. Mặc dù phong cảnh đẹp, thu hút du khách, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, tại nông trại không có nhiều dịch vụ, như: điểm bán hàng thiết yếu, điểm nghỉ ngơi, ăn uống... Nếu khu nông trại mở thêm được một số dịch vụ cơ bản sẽ khiến khách du lịch hài lòng, đánh giá cao.

Thời gian gần đây, loại hình du lịch homestay ở một số huyện Quan Hóa, Bá Thước, Lang chánh đang manh nha phát triển và nhận được phản hồi tích cực của du khách. Đồng thời, các huyện cũng đề xuất các đề án về phát triển du lịch trên địa bàn huyện, như: UBND huyện Quan Hóa xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút nhằm đa dạng các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện; UBND huyện Quan Sơn xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Theo đó, mục tiêu các đề án là phát triển du lịch sinh thái dựa trên những tiềm năng về nông nghiệp, văn hóa, lao động của các địa phương để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái, hiệu quả sử dụng đất; đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo khảo sát thực tế tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thấy, các nông trại, mô hình đều có cảnh quan thoáng đãng, đẹp và thơ mộng để du khách vừa thưởng lãm vừa chụp hình lưu niệm, tạo được nhiều dấu ấn về du lịch nông nghiệp trải nghiệm độc đáo. Song về hình thức tổ chức chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có kết nối với các dịch vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ ngơi... Vì vậy, để phát triển những tiềm năng, lợi thế trong du lịch nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố cần chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn liền với cảnh quan du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, tăng cường thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhằm nâng cao giá trị của nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp thông qua Chương trình OCOP, phát huy giá trị văn hóa của các địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×