Thanh Hóa: Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
22/06/2022 | 15:13Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn với các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân từ hoạt động du lịch mang lại.
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Trí Nang (Lang Chánh) mới đạt 6/19 tiêu chí. Điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân đạt thấp, hệ thống hạ tầng cơ sở phần lớn chưa đạt yêu cầu. Thế nhưng, với quyết tâm chính trị rất cao, Đảng bộ, chính quyền xã Trí Nang đã xây dựng lộ trình cụ thể cho từng tiêu chí, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện... Từ cách làm linh hoạt, hiệu quả, kinh tế ở Trí Nang không ngừng phát triển theo hướng bền vững. Hiện toàn xã có hàng chục mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao; nhiều gia đình có thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm từ phát triển các mô hình, góp phần đưa tỷ lệ lao động có việc làm trong toàn xã lên 94,6%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 34,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,9%... Bằng nỗ lực phấn đấu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, cuối năm 2019 xã Trí Nang được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Song song với việc xây dựng NTM, xã Trí Nang còn đặc biệt quan tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, loại hình du lịch này đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Phát huy lợi thế có bản Năng Cát, thác Ma Hao, nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa của đồng bào Thái như: kiến trúc nhà sàn cổ, các món ăn đặc sản vùng cao như cơm lam, thịt lợn cỏ nướng và các loại rau rừng, rượu siêu men lá; các lễ hội truyền thống Chá Mùn, Chá Một; các trò chơi dân gian tung còn, nhảy sạp, khua luống... Để loại hình du lịch này không ngừng phát triển, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch, thời gian qua, xã Trí Nang nói riêng, huyện Lang Chánh nói chung đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt...; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh lưu trú du lịch thông qua việc tập huấn, hỗ trợ kiến thức du lịch cộng đồng; kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. UBND huyện cũng đã tổ chức công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao. Việc quy hoạch được xây dựng trên cơ sở bảo vệ nguồn sinh thủy, cảnh quan, môi trường phù hợp và hài hòa với không gian kiến trúc của các khu vực bản làng hiện hữu, bảo tồn lối sống và kiến trúc truyền thống... Đây là một trong những tiền đề quan trọng để đưa Khu Du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) sở hữu cảnh quan thiên nhiên cùng vẻ đẹp hoang sơ, với những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi thanh bình, yên tĩnh cùng những nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch yêu thích trải nghiệm, khám phá. Để phát triển du lịch cộng đồng, những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái được cải tạo, nâng cấp làm dịch vụ homestay... Được biết từ đầu năm 2022 đến nay huyện Bá Thước đã đón gần 22.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện, trong đó bản Đôn chiếm khoảng 30% lượt khách... Du lịch phát triển cũng đồng nghĩa kinh tế của các hộ dân trong bản khấm khá hơn, nhờ đó Nhân dân trong bản luôn tích cực hưởng ứng, chung sức xây dựng bản NTM. Giờ đây, những con đường vào bản đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân. Có thể nói, từ khi có chủ trương về phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng NTM, xã Thành Lâm đã lồng ghép các chương trình hỗ trợ, đầu tư tuyến đường bê tông từ trung tâm xã vào bản Đôn gần 3 tỷ đồng. Hiện nay, 1,6km đường giao thông nông thôn trong bản đã được bê tông hóa. 0,8km đường nội đồng đã được cứng hóa. Nhà văn hóa bản Đôn mới được xây dựng theo kiểu nhà sàn của người Thái...
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang triển khai áp dụng mô hình, điển hình như: bản Mạ, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân); bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa); bản Co Mường, bản Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước)...
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, phải tuân thủ các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm...