Thanh Hóa: Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở trong xây dựng đời sống văn hóa
16/09/2021 | 14:54Đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã là nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; do vậy những năm qua, các cấp chính quyền và ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ này.
Thời điểm này, xã Định Hòa (Yên Định) đang tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chị Lê Thị Hương, công chức văn hóa xã được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Căn cứ tình hình thực tế địa phương, chị Hương đã tham mưu cho UBND xã trong xây dựng thiết chế văn hóa bảo đảm đúng các tiêu chí. Theo đó, hiện có 3/6 thôn đã xây dựng nhà văn hóa mới; 3 thôn còn lại đang tu sửa, mở rộng theo mô hình nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, cả 6/6 thôn đều đạt thôn văn hóa; các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển mạnh và luôn nằm trong top đầu của huyện. Đặc biệt, các phong trào văn hóa được triển khai trên địa bàn luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Trong đó phải kể đến việc người dân đóng góp 30 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn; đóng góp tiền của, ngày công để tu sửa, xây dựng nhà văn hóa, điển hình như các thôn Tố Lai, Nội Hà, Thung Thượng.
Nói về vai trò của cán bộ văn hóa trong triển khai các phong trào tại cơ sở, chị Lê Thị Hương, công chức văn hóa xã Định Hòa, cho biết: Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa đạt mục tiêu, hiệu quả, chất lượng, thì yêu cầu đặt ra đối với cán bộ văn hóa là “phải giỏi một việc, biết nhiều việc”. Không chỉ “lăn lộn” với phong trào, biết tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...; cán bộ văn hóa còn phải tích cực vận động các nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa phương... Để giúp đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở làm tốt chức trách, nhiệm vụ, những năm qua, các cấp chính quyền và ngành VHTT&DL luôn tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia tập huấn, bồi dưỡng, tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, quan tâm tới chế độ và tăng cường kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa ở địa phương. Qua đó, chúng tôi có điều kiện phát huy năng lực, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Cùng với việc bám sát các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, chúng tôi cũng căn cứ tình hình thực tế địa phương và nhất là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó, đề xuất, tham mưu cho chính quyền các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao các phong trào văn hóa.
Trao đổi về việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, ông Trịnh Trọng Định, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Định, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 26 cán bộ văn hóa ở 26 xã, thị trấn, với gần 100% cán bộ có trình độ đại học. Trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hầu hết đội ngũ cán bộ văn hóa đã làm tốt vai trò là người tham mưu, chủ động triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Tuy nhiên, do một số xã cán bộ văn hóa còn phải kiêm nhiệm các chức danh khác như phát thanh viên của đài truyền thanh xã; nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động văn hóa cơ sở còn ít; hệ thống thiết chế văn hóa còn nhiều khó khăn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa trên địa bàn.
TP Sầm Sơn hiện có 11 cán bộ văn hóa tại 11 xã, phường. Những năm qua, đội ngũ cán bộ văn hóa trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác văn hóa đến mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Đồng thời, tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc phổ biến các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong thời điểm cả nước đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhằm góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa ổn định và phát triển kinh tế. Hàng năm, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, TP Sầm Sơn đều tiến hành rà soát thực trạng, đánh giá chất lượng và đăng ký với Sở VHTT&DL các nội dung tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ văn hóa. Đặc biệt, với lợi thế trong phát triển du lịch, cho nên việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về văn hóa, du lịch cho cán bộ văn hóa được Sầm Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Đồng thời, thành phố cũng chú trọng dành kinh phí cho các hoạt động văn hóa, thể thao; quan tâm chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ văn hóa... qua đó, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Nổi bật phải kể đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa với 862.043/957.825 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 90% (năm 2020); phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa với 3.704/4.357 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký thực hiện các danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 85% (năm 2020); 340/481 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 70,7% (năm 2020).
Để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này, hàng năm, Sở VHTT&DL đều xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở các địa phương; quan tâm chế độ, chính sách và kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, những điển hình tiên tiến. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... Qua đó, đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả tích cực.