Thanh Hóa: Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
15/12/2021 | 16:16Du lịch văn hóa hay du lịch dựa trên khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa, được xác định là một sản phẩm thế mạnh của Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, thời gian qua công tác phát huy các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch được tỉnh ta đặc biệt quan tâm và bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Trên cơ sở Kết luận số 82-KL/TU ngày 30-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch và phê duyệt các danh mục, hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo di tích, đặc biệt là ưu tiên đầu tư các di tích cách mạng, di tích lịch sử có giá trị khai thác phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai các đề án phát triển sản phẩm du lịch văn hóa. Điển hình như đề án khai thác, phát huy giá trị Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; Đề án phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2020; Đề án phát triển sản phẩm mũi nhọn của du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch... Việc triển khai thực hiện các đề án đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất du lịch (biển quảng cáo tấm lớn, biển chỉ dẫn vào các di tích trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ; mua và đăng ký xe điện, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ hướng dẫn viên, các máy móc thiết bị như máy tính xách tay, máy chiếu...) để phục vụ du khách tham quan tại các điểm khu, điểm du lịch.
Cùng với đó, để làm cơ sở cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích làm cơ sở khai thác phát triển du lịch, thời gian qua, công tác lập, trình duyệt các quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đã được cấp có thẩm quyền quan tâm. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, có 9 di tích được nghiên cứu lập quy hoạch; trong đó có 5 di tích đã được phê duyệt quy hoạch, gồm: điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu căn cứ Khởi nghĩa Ba Đình, huyện Nga Sơn; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, huyện Thạch Thành; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Thanh Hóa. Bên cạnh đó, có 2 di tích đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh núi Kim Sơn, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc gắn với phát triển du lịch; Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo lịch sử, văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Ngoài ra, còn 2 di tích đã có chủ trương quy hoạch, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn; Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Thanh Hóa. Hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; một số dự án, công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; chất lượng dịch vụ, văn hóa du lịch có chuyển biến tích cực... Kết quả, giai đoạn 2016-2020, các khu du lịch văn hóa tâm linh ước đón được gần 7,5 triệu lượt khách, chiếm 17,6% tổng khách du lịch toàn tỉnh, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm. Trong đó, nổi bật như Di tích Lam Kinh ước đón trên 1,2 triệu lượt khách, gấp 2,6 lần giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,1%/năm; Di sản thế giới Thành Nhà Hồ ước đón được 566 nghìn lượt khách, gấp 1,9 lần giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm... Ngoài ra, các địa danh như suối cá Cẩm Lương, phủ Na, đền Sòng Sơn, đền Hàn Sơn cũng trở thành là những địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan và thực hành tín ngưỡng tâm linh.
Có thể khẳng định, các di tích lịch sử - văn hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của kho tàng di sản đa dạng, phong phú (1.535 di tích), thì việc khai thác, phát huy giá trị vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì lẽ đó, để xây dựng du lịch văn hóa thực sự trở thành sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa, bên cạnh việc đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích; thiết nghĩ, tỉnh ta cần quan tâm xây dựng được các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.