Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Nâng tầm sản phẩm du lịch lợi thế để thu hút du khách trong tình hình mới

24/05/2022 | 09:51

Khai thác nội lực, nâng tầm sản phẩm du lịch lợi thế đã và đang là hướng đi của ngành du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn phục hồi. Theo đó, vẫn là những sản phẩm du lịch chủ đạo như: du lịch nghỉ dưỡng biển du lịch văn hóa du lịch sinh thái cộng đồng... Song, mỗi điểm đến đều chú trọng việc làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, với nỗ lực và quyết tâm cao nhất nhằm đạt được mục tiêu trong giai đoạn phục hồi.

Thanh Hóa: Nâng tầm sản phẩm du lịch lợi thế để thu hút du khách trong tình hình mới - Ảnh 1.

Một tiết mục biểu diễn trong đêm nhạc với chủ đề “Thanh sắc” - tại chuỗi chương trình SunFest Sầm Sơn 2022.

Xứ Thanh được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Trong những năm qua, du khách trong nước và quốc tế biết đến Thanh Hóa với nhiều khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng biển nổi tiếng, hay những điểm đến văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng với những nét đặc trưng riêng, độc đáo và hấp dẫn. Kể từ khi ngành du lịch cả nước chính thức mở cửa hoàn toàn (ngày 15-3) đến nay, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có bước chạy đà tốt. Theo đó, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh không chỉ chú trọng các điều kiện đảm bảo an toàn, mà còn tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng trải nghiệm trong từng sản phẩm du lịch đặc trưng.

Với quyết tâm phát triển trở thành thành phố lễ hội, ngay sau một số lễ hội như: lễ hội cầu phúc đền Độc Cước; lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái; lễ khai trương du lịch biển... từ nay đến hết tháng 7-2022, tại TP Sầm Sơn diễn ra chuỗi lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí phong phú như: lễ hội carnival đường phố; chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần - SunFest; diễu hành mô tô phân khối lớn; lễ hội thả diều; liên hoan văn hóa các dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống tỉnh Thanh Hóa; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa và tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm TP Sầm Sơn năm 2022...

Đáng chú ý, chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần - SunFest là chuỗi chương trình nghệ thuật được tổ chức bởi Tập đoàn Sun Group, đã thu hút đông đảo người dân và du khách trong suốt những đêm nhạc vừa qua. Với mong muốn biến những điểm đến du lịch, nơi SunFest diễn ra thành điểm đến nghệ thuật mang sức sống mới và bồi đắp giá trị riêng cho từng điểm đến, gia tăng trải nghiệm mới ấn tượng, thu hút du khách trở lại nhiều lần. Chương trình quy tụ nhiều tên tuổi nghệ sĩ được khán giả yêu mến, với những tiết mục được đầu tư, dàn dựng độc đáo.

Nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa truyền cảm hứng về du lịch Thanh Hóa mang tên “Hương sắc 4 mùa”, sau hai chương trình đầu tiên vô cùng sôi động với nhạc trẻ, EDM và nhạc pop, gần đây nhất, đêm nghệ thuật thứ 3 đã được diễn ra (tối ngày 14-5) với chủ đề “Thanh sắc”. Đêm nhạc đã được mở đầu bằng hòa tấu dân ca Nam bộ và bài dân ca Thanh Hóa “Đi cấy” vui nhộn, qua sự biểu diễn của nhóm Pha lê xanh. Tiếp đến là những bài xẩm bất hủ như “Mục hạ vô nhân”, “Dứa dại không gai”, “Sướng khổ vì chồng”, trích đoạn chèo nổi tiếng “Quan âm Thị Kính”, hát văn “Cô đôi thượng ngàn”, “Cô chín”, “Cô bé Đông Cuông”, liên khúc dân ca 3 miền... Chương trình được diễn ra trong một sân khấu gần gũi, thân thiện, ngay bên bãi biển Sầm Sơn xinh đẹp và thơ mộng, đêm nhạc “Thanh sắc” không chỉ làm hài lòng khán giả lớn tuổi, mà còn đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ.

Có thể nói, ngay sau khi du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn, cùng với TP Sầm Sơn, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã, đang nỗ lực duy trì “dòng chuyển tiếp” từ không gian đến thời gian bằng nhiều hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch hấp dẫn, để mỗi sự kiện, mỗi điểm đến du lịch không chỉ tạo dấu ấn với du khách mà còn góp phần tạo điểm nhấn, nâng tầm các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Bắt nhịp việc mở cửa toàn diện du lịch trong điều kiện “bình thường mới,” các điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh trên địa bàn tỉnh, như: khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); bản Năng Cát, thác Ma Hao (Lang Chánh); bản Hang (Quan Hóa); bản Mạ (Thường Xuân); khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân)... cũng đã có những cố gắng, nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, khai thác đa dạng sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách. Trong đó, các bản du lịch sinh thái cộng đồng ngày càng khẳng định được sức hút đối với du khách bằng các hoạt động trải nghiệm như: chèo bè mảng, đánh cá trên sông, chèo thuyền kayak, hướng dẫn khách đi bộ khám phá điểm đến lân cận...

Từ những nhu cầu và đòi hỏi thực tế của thị trường, sản phẩm du lịch văn hóa cũng đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Đặc biệt là công tác tổ chức hoạt động lễ hội, chất lượng dịch vụ điểm đến, đáp ứng tiêu chí an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Trong đó, việc xây dựng, phát triển sản phẩm thích ứng với tình hình mới được tỉnh đặc biệt chú trọng. Điển hình, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) là điểm du lịch đầu tiên của tỉnh đã triển khai thành công chuyển đổi số với công nghệ Smart Travel Platform ngay sau khi du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại. Tính năng nổi bật của công nghệ này là hỗ trợ tối đa cho khách du lịch trong việc thu thập thông tin, tìm địa điểm du lịch, điểm cung cấp dịch vụ thông qua tour du lịch ảo 360 và thực tế tăng cường AR. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, tải ứng dụng Smart Travel Platform thành công là du khách hoàn toàn có thể tìm hiểu trước về điểm đến qua tour ảo, được thiết kế giống hoàn toàn thực tế. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình tham quan, mà việc ứng dụng công nghệ đã góp phần quan trọng trong việc tạo sức hút cho điểm đến, nâng tầm sản phẩm du lịch văn hóa.

Có thể nói, mặc dù các sản phẩm du lịch đặc trưng chưa thực sự được khai thác một cách triệt để, song với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, du lịch Thanh Hóa đã có bước chạy đà ấn tượng. Điều đó không chỉ thể hiện ở những con số về lượng khách qua các kỳ nghỉ lễ, mà còn thể hiện ở việc các sản phẩm du lịch lợi thế dần khẳng định được vị trí, sức cạnh tranh trong tình hình mới. Để tiếp tục khẳng định Thanh Hóa là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch bổ trợ; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư tổ hợp du lịch nhằm hình thành các sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch... đáp ứng xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×