Thanh Hóa: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch
13/07/2021 | 10:00Trong vài năm trở lại đây, ngành du lịch Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó, hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch ngày càng được đổi mới. Tuy nhiên, đứng trước nhiều thách thức khách quan và những bất cập nội tại, thì ngành du lịch nói chung, đặc biệt là hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch nói riêng, cũng cần có sự chuyển biến tích cực.
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên du lịch được quan tâm triển khai thực hiện. Điển hình là năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, làm căn cứ ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở tại các khu, điểm du lịch và nâng cao chất lượng quản lý, khai thác, phát triển du lịch. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 70 khu, điểm du lịch được công nhận theo quy định. Công tác hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch được quan tâm thực hiện. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã ban hành trên 60 văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các hoạt động quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Kết quả, trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã kiểm tra trên 1.300 lượt cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch trên các địa bàn trọng điểm về du lịch, qua đó, tiến hành xử phạt gần 600 cơ sở, với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra gần 400 lượt cơ sở kinh doanh du lịch, xử phạt 15 cơ sở với số tiền gần 50 triệu đồng; kiểm tra thường niên điều kiện đón khách tại các khu du lịch biển (TP Sầm Sơn đã kiểm tra 612 cơ sở, xử phạt 497 cơ sở, phạt tiền 1,229 tỷ đồng; huyện Hoằng Hóa đã kiểm tra 90 cơ sở, xử phạt 39 cơ sở, phạt tiền 165 triệu đồng; thị xã Nghi Sơn đã kiểm tra 123 lượt cơ sở, nhắc nhở 24 cơ sở, xử phạt 14 cơ sở...). Toàn tỉnh đã thiết lập, duy trì 17 đường dây nóng tại 5 khu, điểm du lịch trọng điểm. Riêng TP Sầm Sơn, giai đoạn 2016-2020 đã tiếp nhận và giải quyết 1.687 cuộc gọi qua đường dây nóng. Nhờ vậy, công tác quản lý Nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh tới địa phương từng bước đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch và kinh doanh du lịch phát triển.
Mặc dù vậy, công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương vẫn chưa nghiêm; vấn đề môi trường du lịch và đảm bảo vệ sinh, an toàn chưa bền vững; chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng... Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị có lúc, có nơi còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt. Trong khi, nhiều yếu tố khách quan (thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực...) đã và đang tác động lên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ngành du lịch. Đồng thời, ngành du lịch cũng đang cho thấy những bất cập nội tại cần sớm được khắc phục như, việc triển khai một số dự án đầu tư du lịch chưa hiệu quả, có nguy cơ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tác động tiêu cực đến môi trường xã hội; cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch còn “kẽ hở” để các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật; công tác quản lý khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch chưa quyết liệt, triệt để...
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; đồng thời, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngày 17-6-2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 146/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, phục vụ phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Đồng thời, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, quảng bá hình ảnh, con người Thanh Hóa với khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan quản lý các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách vừa thu hút vốn đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước đến Thanh Hóa, vừa bảo đảm tốt an ninh trật tự.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, trước hết các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Thanh Hóa trên hệ thống website, cổng thông tin điện tử và định hướng, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực giới thiệu tiềm năng du lịch, quảng bá các khu, điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, Twitter... Quan tâm bảo đảm trật tự, an toàn, ứng xử văn minh du lịch thông qua việc thiết lập và duy trì trật tự kỷ cương đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ; tăng cường quản lý giá cả, chất lượng dịch vụ; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan cần quan tâm nghiên cứu, tham mưu thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch; xây dựng giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về du lịch; chú trọng quản lý tài nguyên du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong lĩnh vực du lịch; kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương, các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết và các tháng cao điểm về du lịch. Ngoài ra, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tới các địa phương, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và khách du lịch, nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.