Thanh Hóa: Khởi động cho một năm du lịch sôi động trở lại
18/01/2022 | 15:10Mùa xuân là mùa của lễ hội, một dịp để ngành du lịch thu hút khách. Tuy nhiên để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong 2 năm qua, rất nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa, giải trí đầu xuân đã không diễn ra.
Sau khi UBND Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4399/QĐ-UBND quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch đã từng bước hoạt động trở lại, tuy nhiên vì tâm lý lo sợ nên nhiều du khách vẫn còn e dè, cơ sở du lịch thì thận trọng trong việc mở cửa hoạt động trở lại.
Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 17.920 tỷ đồng. Để hiện thực mục tiêu này, tỉnh đã và đang chuẩn bị các điều kiện với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, vừa làm vừa hoàn thiện nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tại chỉ thị tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thông tin, quảng bá du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, lễ hội và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người xứ Thanh đến du khách; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán.
Như vậy, sau thời gian “nghỉ dưỡng” bất đắc dĩ, ngành du lịch Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội để hoạt động trở lại một cách đúng nghĩa. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành “công nghiệp không khói” xứ Thanh. Tuy nhiên, để đảm bảo việc mở cửa các hoạt động du lịch trở lại ổn định lâu dài, an toàn, tiến tới đón khách du lịch quốc tế và thực hiện chiến lược dài hơi hơn, đòi hỏi việc trở lại phải đáp ứng được các nguyên tắc là vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ gìn được nét đẹp văn hóa, giá trị của các tài nguyên du lịch trên địa bàn. Muốn thế, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch, lễ hội, thì các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch phải tăng cường kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Đây là yêu cầu cấp bách nhằm kịp thời đưa các hoạt động du lịch trở lại “đường băng” nhưng cũng ngăn chặn được nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Du lịch dịp lễ hội mùa xuân được xem là hoạt động du lịch khởi động cho một năm. Ở thời điểm này còn được xem như là sự khởi động cho một thời kỳ du lịch mới, trở lại sau dịch bệnh. Nếu tổ chức phù hợp, khai thác hiệu quả, nhất là đảm bảo các quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trước mắt là chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh, sẽ tạo đà để du lịch Thanh Hóa trở lại, có bước đi chắc chắn, mạnh mẽ hơn trong năm 2022.