Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Khơi dậy tiềm năng du lịch nông thôn

19/07/2023 | 09:35

Phát triển du lịch nông thôn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng là xu hướng đang được đông đảo du khách lựa chọn. Do đó, những năm gần đây các địa phương, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã quan tâm đầu tư, phát triển loại hình du lịch này.

Thanh Hóa: Khơi dậy tiềm năng du lịch nông thôn - Ảnh 1.

Khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queen Farm), thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Thanh Hóa là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn, bởi nơi đây có hàng trăm trang trại nông nghiệp, nhiều làng nghề truyền thống đang được lưu giữ và cảnh sắc thiên nhiên nông thôn tươi đẹp trải dài từ miền biển, đồng bằng cho đến miền núi. Do đó, vài năm trở lại đây, loại hình du lịch nông thôn đang được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển và dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch của tỉnh. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách như: Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam - Thanh Tam BamBoo Ecopark, Nông trại Ánh Dương, Nông trại dâu tây và các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao kết hợp với du lịch tham quan, mua sắm tại một số địa phương Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành...

Điển hình nhất phải kể đến là Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), nơi được ví như viên ngọc xanh của núi rừng miền Tây Thanh Hóa, có những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp, cùng nhịp sống yên bình của đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhờ khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nên nơi đây đang là điểm đến hấp dẫn khách tham quan. Đặc biệt là việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa cộng đồng dân cư tại bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường, bản Báng, Son - Bá - Mười, với các hoạt động của người dân như: ngắm cảnh ruộng bậc thang, trải nghiệm thu hoạch lúa chín, trồng rau, hái quýt và tìm hiểu sinh thái nông nghiệp, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, tham quan làng nghề sản xuất các mặt hàng dệt thổ cẩm tại xã Lũng Niêm và các nghề truyền thống tại các xã có điểm du lịch cộng đồng... Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư để phục vụ du khách. Hiện ở đây có 75 cơ sở lưu trú dạng homestay, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 238 buồng, phòng, 980 giường; công suất đón khoảng trên 1.500 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương...

Khu nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queen Farm), thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) cũng là địa điểm tham quan du lịch nông nghiệp của đông đảo du khách. Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới chia sẻ: Việc mở rộng đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch đã được công ty quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi mát với những luống rau xanh, được trải nghiệm trồng rau thủy canh, trồng dưa chuột baby, dưa lưới Taki và một số loại rau cao cấp như: rau chân vịt, cải xoăn Kale, rau Mizuna Nhật Bản... Cùng với đó, được tìm hiểu quy trình sản xuất thạch rau má, một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Queen Farm. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, Queen Farm đã chú trọng đầu tư xây dựng khu vực trưng bày sản phẩm, bố trí nguồn nhân lực du lịch để giới thiệu các mô hình cho khách tham quan... Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch mà công ty đã có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu của mình.

Thực tế cho thấy, du lịch nông thôn tại nhiều địa phương, vùng, miền trong tỉnh đã và đang mang lại lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì phần lớn hoạt động du lịch này vẫn mang tính tự phát, chưa có chiến lược dài hơi, các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch mới chỉ “có gì dùng nấy” chứ chưa đa dạng, phong phú. Hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa được quan tâm đúng mức... Bởi vậy, để phát huy được tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng cần có một “cú huých” mạnh mẽ, phù hợp. Đặc biệt là cần phải có sự liên kết, có chiến lược kinh doanh giữa các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá đến đông đảo khách du lịch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp...

Phát triển du lịch nông thôn đã được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Bởi vậy, ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững... Đây chính là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, phù hợp nhu cầu thị trường.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×