Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch

23/08/2022 | 15:03

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các dự án quy mô lớn, tạo điểm nhấn cho du lịch xứ Thanh, hướng đến phát triển du lịch bốn mùa.

Thanh Hóa: Huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch - Ảnh 1.

Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) ngày càng hấp dẫn du khách.

Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của các vùng kinh tế, gồm miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc. Cùng với Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Di tích cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân); hang Con Moong (Thạch Thành); đền Bà Triệu (Hậu Lộc); đền Lê Hoàn (Thọ Xuân) và thắng tích Sầm Sơn (TP Sầm Sơn). Thanh Hóa sở hữu 102 km đường bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... cùng nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, như Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thắng cảnh Hàm Rồng - sông Mã (TP Thanh Hóa)... Thanh Hóa còn là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, văn hóa ẩm thực phong phú. Vì vậy, đây là điều kiện thuận lợi để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thu hút các dự án kinh doanh du lịch; xây dựng các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, góp phần khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh cho du lịch xứ Thanh. Theo báo cáo của ban chỉ đạo phát triển du lịch, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 54 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch đã được phê duyệt và 13 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu. Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 26 khu, điểm du lịch đã được quy hoạch.

Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư khai thác tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, kết nối các điểm đến du lịch trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 9 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được cấp vốn triển khai, với tổng vốn gần 1.840 tỷ đồng; nâng tổng số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch lên 52 dự án, trong đó có 40 dự án hoàn thành và 12 dự án đang triển khai thực hiện. Trong đó, một số dự án có quy mô lớn đã, đang tập trung triển khai như: Dự án đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh, tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến Quốc lộ 47) và tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo) trên địa bàn TP Sầm Sơn; các dự án đường giao thông đến các khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh...

Cùng với đó, một số dự án hạ tầng quy mô nhỏ từ nguồn chương trình phát triển du lịch đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tích cực triển khai thực hiện như: cải thiện hạ tầng môi trường xử lý rác thải, nước thải; xây dựng bãi đỗ xe; xây dựng bến thuyền du lịch; hệ thống đường điện; xây dựng đường giao thông nội bộ các điểm du lịch... góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối các điểm đến phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại một số địa phương.

Song song với đầu tư hạ tầng, việc thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật được xác định tạo sự thay đổi về “chất” trong phát triển du lịch của tỉnh. Tính đến tháng 6-2022, tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai là 80 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 145.500 tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh); khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh và dự án Flamingo Linh Trường khu B (Hoằng Hóa); khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương); khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương)... Dự kiến, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thu hút nhiều dự án du lịch đẳng cấp, có quy mô lớn như: dự án khu du lịch Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); dự án TNG Hà Long Golf & Resort, nông nghiệp công nghệ cao TNGreen (Hà Trung)...

Nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch được chú trọng và có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức tổ chức. Trong đó phải kể đến việc xây dựng thành công bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và đẩy mạnh tuyên truyền trên nền tảng số youtube, facebook, tiktok, zalo... Đồng thời xây dựng và phát sóng các chuyên đề, chuyên mục, phim tài liệu, phóng sự, ký sự, bản tin, bài viết giới thiệu và phản ánh hoạt động du lịch trên truyền hình Trung ương và truyền hình các tỉnh, thành phố lớn; trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương... Đặc biệt, nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, các lễ hội lớn được tổ chức trang trọng nhằm quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch. Nhờ đó, hình ảnh du lịch Thanh Hóa được đông đảo khách du lịch biết đến; tiềm năng và thương hiệu du lịch Thanh Hóa ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trong suốt hơn 2 năm qua, du lịch Thanh Hóa cũng như cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết khó khăn và khôi phục ngành kinh tế du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp để nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội; thu hút khách du lịch, nhất là dòng khách có mức chi cao và khách quốc tế.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×