Thanh Hóa: Huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích
18/04/2022 | 10:03Di tích lịch sử, văn hóa được ví như một “bảo tàng sống” gắn với lịch sử hình thành và phát triển của các địa phương; đồng thời, cũng là sợi dây cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp chung của cộng đồng. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện xã hội hóa, huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 2017-2021, toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa được 781,46 tỷ đồng để bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích. Trong đó, dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện là 46,5 tỷ đồng; dự án do địa phương thực hiện là 734,96 tỷ đồng, trong đó nhiều địa phương đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa lớn như: huyện Yên Định huy động được 205,34 tỷ đồng cho 9 lượt di tích; TP Thanh Hóa 137,57 tỷ đồng cho 15 lượt di tích; huyện Hoằng Hóa 57 tỷ đồng cho 11 lượt di tích; huyện Hậu Lộc 56,3 tỷ đồng cho 13 lượt di tích... Việc thu hút xã hội hóa đã giúp nhiều di tích thoát khỏi tình trạng xuống cấp, tránh được những nguy cơ xâm hại của thiên nhiên, con người. Thông qua đó, còn giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa trong cộng đồng Nhân dân.
Về cơ bản, các di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đã bảo đảm các nguyên tắc và quy định của Luật Di sản văn hóa. Những di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đưa vào sử dụng đã phát huy tốt giá trị, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, sự mong mỏi của Nhân dân địa phương, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Nghiệp vụ di sản - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Việc quan tâm, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chính là lưu giữ những tinh hoa, tài sản văn hóa lâu đời của dân tộc để không bị mai một hay mất đi. Việc phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn di tích, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân đối với những người có công với nước và nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa trong mỗi người dân. Chính vì thế, những năm qua Ban Quản lý Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân địa phương tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản như quan tâm vệ sinh tường thành, phát quang cây cối, bảo vệ cảnh quan môi trường và mặt thành... Tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, thời gian qua bằng nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác; đồng thời, qua hàng chục năm dày công nghiên cứu và từng bước tiến hành thi công, đến nay hàng chục hạng mục quan trọng đã được phục dựng lại góp phần quan trọng vào việc đưa Khu Di tích lịch sử Lam Kinh là một trọng điểm du lịch văn hóa - tâm linh của tỉnh Thanh Hóa. Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Thời gian qua, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể, các trường học trên địa bàn để tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử, bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh di tích. Đồng thời, từ nhiều nguồn xã hội hóa thông qua việc đóng góp, công đức của Nhân dân, ban quản lý đã sửa chữa các hạng mục nhỏ, mua sắm thêm đồ thờ góp phần xây dựng khu di tích ngày càng khang trang, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân và thu hút khách du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế cho thấy việc huy động sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn nảy sinh nhiều bất cập. Giai đoạn 2017-2021, ở một số địa phương, từ nguồn huy động được trong Nhân dân (xã hội hóa, các nguồn huy động hợp pháp khác...) do nôn nóng, vội vã của một số cấp ủy, chính quyền, ban quản lý di tích đã dẫn đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích không thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật về di sản văn hóa, làm biến dạng di tích, phải kể đến như: chùa Bạch Tượng (Nga Sơn), chùa Đông Tác, chùa Giáp Hoa, chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa), chùa Liên Hoa (Hậu Lộc), đền Nưa (Triệu Sơn)... Cùng với đó, việc huy động sức dân trong công tác xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo di tích tại một số địa phương đạt hiệu quả chưa cao dẫn đến không trùng tu, tôn tạo kịp thời nhiều di tích có nguy cơ mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất; công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa cũng chưa được triển khai thực hiện một cách sâu rộng dẫn đến nguồn kinh phí xã hội hóa chỉ tập trung vào các di tích gắn với tôn giáo - tín ngưỡng, còn các di tích khảo cổ, lịch sử (sự kiện cách mạng, kháng chiến)... gần như không thu hút được sự đầu tư của cộng đồng... Bởi vậy, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ngành văn hóa đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích; coi việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của mọi tổ chức và tầng lớp Nhân dân. Duy trì và tăng cường nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, địa phương, xã hội hóa đầu tư có trọng điểm để thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa có hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá tiềm năng du lịch gắn với di sản văn hóa; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa để thu hút, lưu giữ khách tham quan.