Thanh Hóa: Hiệu quả từ xã hội hóa hoạt động hệ thống thư viện
18/05/2023 | 08:01Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đọc đến năm 2030, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, mà trực tiếp là hệ thống thư viện các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự tham gia, ủng hộ của đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu của độc giả trong tình hình mới, Thư viện tỉnh đã không ngừng sáng tạo, mở rộng phạm vi hoạt động, tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đa dạng các nguồn sách, báo, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Hàng năm, Thư viện tỉnh bổ sung, xử lý kỹ thuật đưa vào phục vụ Nhân dân hàng chục nghìn bản sách, báo, tạp chí. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước vào nhiệm vụ phát triển vốn tài liệu, nhờ tích cực liên hệ, vận động tổ chức, cá nhân chung tay phát triển văn hóa đọc, mỗi năm Thư viện tỉnh tiếp nhận hàng nghìn bản sách từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhà xuất bản trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2022, Thư viện tỉnh đã tiếp nhận gần 6,2 nghìn bản sách; 4 tháng đầu năm 2023 đã có tới trên 4,5 nghìn bản sách được các tổ chức, cá nhân ủng hộ.
Cùng với việc vận động tài trợ sách, báo, tư liệu, Thư viện tỉnh còn tích cực huy động các cơ quan, đơn vị tham gia phục vụ sách, báo, thực hiện vận động, tuyên truyền, khuyến khích phát triển văn hóa đọc bằng nhiều hình thức; triển khai hiệu quả nội dung các chương trình phối hợp trong lĩnh vực thư viện với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo... Thông qua hoạt động liên kết, công tác luân chuyển tài liệu, sách, báo giữa Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện, phòng đọc cơ sở và phục vụ thư viện lưu động đến các địa phương, trường học ngày càng được đẩy mạnh, góp phần lan tỏa rộng khắp phong trào đọc sách, khơi dậy tinh thần tự học và học tập suốt đời.
Cùng với Thư viện tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 thư viện huyện, thị xã, thành phố; 280 xã, phường, thị trấn; 5 tủ sách tư nhân, dòng họ; 4.473 phòng đọc sách báo cơ sở. Tại một số địa phương trong tỉnh, nhiều mô hình: “Tủ sách làng văn hóa”, “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách truyền thống”; “Đường sách”... được xây dựng và duy trì hoạt động tốt, khơi dậy đam mê đọc sách trong mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng con người văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, được truyền cảm hứng từ chương trình “Sách hóa nông thôn”, nhiều cá nhân đã trở thành những hạt nhân tích cực đưa tri thức về cơ sở.
Một trong những “điểm sáng” trong hệ thống thư viện cơ sở phải kể đến thị xã Bỉm Sơn. Đến nay thư viện thị xã đã có trên 28 nghìn bản sách, với đa dạng các loại sách như: chính trị, kinh tế, xã hội, ngôn ngữ, khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, văn học, lịch sử, địa lý, thiếu nhi... Năm 2022, thư viện thị xã đã cấp 375 thẻ, phục vụ 13,2 nghìn lượt bạn đọc, luân chuyển 26,4 nghìn lượt sách, báo. Đặc biệt công tác xã hội hóa hoạt động hệ thống thư viện trên địa bàn thị xã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó mô hình “Đường sách” khu phố 7, phường Đông Sơn (chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2020) do đội ngũ hưu trí khu phố xây dựng và triển khai, được đánh giá là mô hình sáng tạo, hiệu quả. Con ngõ nhỏ được bài trí đẹp mắt, với đa dạng không gian sách, tranh bích họa, không gian văn hóa, lịch sử truyền thống... Qua 3 năm hoạt động, đến nay “Đường sách” khu phố 7 đã có tới hàng nghìn bản sách, chủ yếu do các tổ chức, cá nhân trao tặng, đóng góp. Không chỉ đơn thuần là điểm đọc sách quen thuộc của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, mà đây còn là sân chơi văn hóa bổ ích cho các em nhỏ.
Có thể nói, xã hội hóa các hoạt động của hệ thống thư viện không chỉ khai thác tối đa mọi nguồn lực xã hội mà còn thể hiện tinh thần tự chủ, sáng tạo của các thư viện trước những yêu cầu thực tế mới. Tuy nhiên, bên cạnh những cách làm hay, mô hình hiệu quả, công tác xã hội hóa ở một số thư viện cơ sở vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế; một số địa phương người dân chưa thực sự quan tâm đến việc đọc sách, nhất là vùng sâu, vùng xa...
Để tăng cường hiệu quả xã hội hóa, thời gian tới hệ thống các thư viện trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò và vị thế trong đời sống xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm đầu tư và nâng cao tinh thần, trách nhiệm xã hội trong tạo lập và cải thiện môi trường đọc, học tại thư viện. Mặt khác, thường xuyên tổ chức các cuộc thi đọc sách, kể chuyện, tọa đàm, trưng bày, triển lãm sách chuyên đề... nhằm khơi gợi phong trào đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân và thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến sự phát triển thư viện nói riêng, văn hóa đọc nói chung.