Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa "gỡ khó" cho các dự án văn hóa, lịch sử: Không né tránh, đùn đẩy trong quá trình thực hiện

20/02/2023 | 15:30

Nhằm tìm ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, phục hồi, tôn tạo các dự án văn hóa, lịch sử trọng điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa giai đoạn 2021- 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đã đi kiểm tra tình hình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Thanh Hóa "gỡ khó" cho các dự án văn hóa, lịch sử: Không né tránh, đùn đẩy trong quá trình thực hiện - Ảnh 1.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện 4 dự án văn hóa, lịch sử trọng điểm: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (nhóm dự án số 4); Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung; Dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng; Dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.

Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế và nghe các sở, ngành và các địa phương báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên nêu rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện triển khai các dự án về cơ bản là những công trình đã được bố trí vốn đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hóa đã được xác định. Tuy nhiên, đến nay thì thủ tục pháp lý của tất cả các dự án này đều kéo dài, trong đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Để tháo gỡ khó khăn cho các các dự án văn hóa, lịch sử trọng điểm của tỉnh Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thì thủ tục, hồ sơ pháp lý phải đúng, phải đủ theo quy định pháp luật. Do đó, yêu cầu tất cả các dự án của ngành văn hóa nói chung và 4 dự án trọng điểm phải rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan thẩm định, cơ quan tham gia ý kiến, không yêu cầu phát sinh thủ tục khi pháp luật không quy định. Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng thuộc Sở, không né tránh, đùn đẩy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Yêu cầu các huyện vào cuộc theo nhiệm vụ được giao, với trách nhiệm trước tỉnh, trước dân và trước các bậc tiền nhân có công với nước. Trước khi tiến hành quy hoạch các di tích, các ngành chức năng phải khảo sát thực tế trước rồi mới nghe tư vấn, thuyết trình để đảm bảo dự án được triển khai thực hiện sát, đúng với thực tế.

Cụ thể, đối với Dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo trong tháng 3-2023 phải trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương để tiến hành các bước tiếp theo của dự án. Rút kinh nghiệm về thủ tục hành chính, pháp lý và yêu cầu phải làm đúng nhưng không làm phát sinh thủ tục hành chính. Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của dự án để sau khi HĐND tỉnh thông qua chủ trương điều chỉnh thì đến các bước tiếp theo phải được thực hiện nhịp nhàng. Phấn đấu cuối năm 2023 phải xong thủ tục đầu tư để triển khai thi công dự án. Các công trình, hạng mục đã được phê duyệt cần thiết thì phải được triển khai trước.

Đối với Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung (giai đoạn 2), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị UBND huyện Hà Trung đẩy nhanh tiến độ dự án tái định cư cho các hộ dân trên đường 217 thuộc khu vực giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Hoàn thiện thủ tục để trình HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện các thủ tục hành chính để đấu thầu triển khai dự án tái định cư phải xong trong tháng 6-2023. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp hướng dẫn trình tự thủ tục giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng đối với 47 hộ dân thuộc khu vực dự án. Yêu cầu huyện Hà Trung bàn giao trước mặt bằng đã giải phóng được cho Sở VHTTDL để chỉ đạo nhà thầu thi công; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục khác trong dự án.

Đối với Dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc cần giải quyết triệt để vướng mắc để tiến hành đấu thầu lại và thời gian phải xong trong tháng 6-2023. Đồng thời, lấy ý kiến các chuyên gia, các tổ chức khác của UNESCO trước khi triển khai các dự án. Rà soát lại cơ sở, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm kiểm định của Sở Xây dựng để yêu cầu Trung tâm này phải thực hiện thẩm định các dự án theo yêu cầu của tỉnh.

Về Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các ngành chức năng cần sớm làm việc lại với nhóm tác giả để thanh lý hợp đồng, từ đó để tiến hành thi sáng tác mẫu tượng đài mới. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh có văn bản báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương thay đổi mẫu, thay đổi chất liệu và chiều cao của tượng đài.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×