Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Gia tăng trải nghiệm văn hóa để thu hút khách du lịch trong tình hình mới

15/04/2022 | 15:11

Cùng với các địa phương trong cả nước, trong giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Trong đó, hướng đến việc gia tăng trải nghiệm văn hóa nhằm thu hút du khách. Đây vừa là cơ hội để giới thiệu, quảng bá đến du khách về đất và người xứ Thanh, vừa là giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến.

Thanh Hóa: Gia tăng trải nghiệm văn hóa để thu hút khách du lịch trong tình hình mới - Ảnh 1.

Trải nghiệm tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” du khách sẽ được thưởng thức các làn điệu dân ca, hò sông Mã đặc trưng của xứ Thanh. Ảnh: Hoài Anh

Trong những năm gần đây, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” (TP Thanh Hóa) được đông đảo du khách biết đến và yêu thích. Với nhiều chương trình tham quan, khám phá để du khách có thể lựa chọn như: bến tàu Hoàng Long - chùa Sùng Nghiêm đền Nghè Yên Vực (Phủ Vàng) - đền Cô Bơ; bến tàu Hoàng Long - Tượng đài giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã - Thiền viện Trúc Lâm - đền Cô Bơ; hoặc du khách có thể đi trên du thuyền ngắm danh lam, thắng cảnh đôi bờ sông Mã, thưởng thức những làn điệu dân ca, hò sông Mã và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh. Theo đó, khi tham gia các chương trình của tuyến “Ngược xuôi sông Mã”, hoạt động du lịch không chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm du lịch đường sông, ăn uống đặc sản mà du khách còn được phục vụ văn nghệ, có hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến, tham quan, mua sắm đặc sản địa phương tại các điểm dừng chân... khiến cho mỗi chương trình tham quan, trải nghiệm đều trở nên sôi động, hấp dẫn.

Theo bà Mai Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã: “Với giá tour trọn gói chỉ từ 300.000 – 500.000 đồng/người. Trong đó đã bao gồm 1 bữa ăn chính trên du thuyền, vé du thuyền trên sông Mã, hướng dẫn viên du lịch suốt tuyến, bảo hiểm du lịch, các hoạt động văn nghệ... Bên cạnh đó, tàu phục vụ du khách được thiết kế hiện đại, nội thất và không gian sang trọng. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi xác định tập trung mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm văn hóa đặc sắc, đổi mới, với chất lượng dịch vụ tốt. Đến với “Ngược xuôi sông Mã”, du khách sẽ tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm suốt hành trình như: tham quan điểm đến đôi bờ sông Mã, phục vụ văn nghệ hò sông Mã, các làn điệu dân ca, tổ chức các hoạt động mini game... Và thực tế, rất nhiều đoàn khách sau đó đến là nhờ sự giới thiệu của các đoàn đã trải nghiệm trước đó”.

Cùng với các sản phẩm du lịch truyền thống, trong những năm gần đây, du khách trong nước và quốc tế ngày càng biết đến nhiều hơn sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng miền Tây xứ Thanh. Thực tế, nhiều điểm đến như bản Ngàm (huyện Quan Sơn); bản Đôn, bản Báng, bản Bầm, bản Kho Mường (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Năng Cát (huyện Lang Chánh)... đã triển khai đến du khách nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa, để lại ấn tượng sâu sắc về điểm đến.

Đến với các điểm du lịch cộng đồng, du khách không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn, khám phá điểm đến mà còn được tham gia vào các hoạt động thường ngày của người dân như: bắt cá, gặt lúa, chế biến món ăn, chèo thuyền... Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức, hòa mình vào các chương trình văn nghệ đặc sắc. Do đó, cũng dễ hiểu khi du lịch sinh thái cộng đồng được xem là sản phẩm “sinh sau, đẻ muộn”, tuy nhiên có sức hút lớn với du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đến nay cơ bản đã đón được lượng khách ổn định trong cả 4 mùa.

Cuối tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2022, tại TP Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”. Phát biểu định hướng tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, song song với việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến gia tăng trải nghiệm văn hóa cho du khách. Đây là giải pháp quan trọng để “ghi điểm”, để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách trong từng sản phẩm, từng điểm đến du lịch. Theo đó, mặc dù cả 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đều sở hữu những sản phẩm du lịch tương đồng như: du lịch biển, văn hóa lịch sử, tâm linh, sinh thái cộng đồng... Song, mỗi điểm đến lại có một nét văn hóa đặc trưng khác nhau, đó chính là thương hiệu, là điểm nhấn mà mỗi địa phương cần khai thác để tránh sự trùng lặp, mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa khác biệt khi khám phá điểm đến.

Có thể nói, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch Thanh Hóa đã và đang có những chuyển biến tích cực, được du khách ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó, tỉnh đã tập trung xây dựng hoàn thiện, giới thiệu quảng bá và tổ chức khai thác đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển; du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sự kiện và du lịch mua sắm tại các làng nghề... Cùng với đó là nhiều hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí đặc sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách như: các lễ hội truyền thống; lễ hội Carnival đường phố; lễ hội tình yêu; các giải thể thao tầm cỡ; sự kiện âm nhạc... tất cả đều hướng đến việc gia tăng giá trị điểm đến, quảng bá văn hóa, tạo nên sức hút, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×