Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Du lịch nội tỉnh - Dư địa cho phát triển

22/09/2021 | 16:51

Sự xuất hiện và kéo dài của đại dịch COVID-19 suốt gần 2 năm nay, đã khiến cho du lịch Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, chịu tổn thất nghiêm trọng. Thực trạng này đã và đang buộc nhiều địa phương, kể cả những trọng điểm du lịch quốc gia phải chuyển hướng phát triển.

Đó là thay vì đề cao thị trường khách quốc tế như trước đây, thì nay tập trung khai thác thị trường khách nội địa. Thậm chí, nhiều tỉnh/thành đang có các giải pháp kích cầu “làm nóng” thị trường khách nội tỉnh, xem đây như một “cứu cánh” cho du lịch. Bởi thị trường khách trong nước đang bị xé lẻ, ngưng trệ do nhiều địa phương đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa: Du lịch nội tỉnh - Dư địa cho phát triển - Ảnh 1.

Làng du lịch Yên Trung (huyện Yên Định).

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có dư địa lớn để phát triển du lịch nội tỉnh. Điều này là nhờ bởi tỉnh ta có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú (gồm cả tự nhiên và nhân văn). Vốn được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa có đủ các dạng địa hình từ miền núi, trung du, đến đồng bằng và ven biển, với nhiều thắng cảnh đẹp cùng di tích lịch sử - văn hóa giàu giá trị. Cùng với đó, Thanh Hóa có hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch không ngừng mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng, tiện nghi, hiện đại. Đồng thời, sản phẩm du lịch phát triển ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng, theo hướng văn minh, lịch sự; nguồn nhân lực du lịch từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng... Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung đầu tư và hoàn thành nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 1); tuyến đường nối các huyện miền núi phía Tây; dự án đường Quốc lộ 1A nối với Khu du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh... Đặc biệt, việc đầu tư và đưa vào khai thác Cảng Hàng không Thọ Xuân, đã kết nối Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Định, Kiên Giang (thuộc 4 khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam), tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách đến với Thanh Hóa.

Thanh Hóa đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực, gắn với nhiều sản phẩm - điểm đến chất lượng, đẳng cấp. Trong đó phải kể đến Sầm Sơn golf links và khu đô thị sinh thái FLC; Khu Du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến; Khu tổ hợp dịch vụ khách sạn thương mại Vincom... Đồng thời, một số dự án có quy mô lớn đang triển khai quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư, như Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời); khu đô thị sinh thái, du lịch ven sông Mã của Tập đoàn FLC... Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú du lịch, với 41.300 phòng; trong đó có một số cơ sở lưu trú có quy mô lớn như Khách sạn Mường Thanh (4 sao), Khách sạn Thiên Ý (4 sao), Khu resort Vạn Chài (4 sao), Quần thể sân Golf và khu nghỉ dưỡng FLC (5 sao), Khách sạn Central (5 sao), Khách sạn Vipearl (5 sao)...

Sự đa dạng của tài nguyên du lịch cũng là cơ sở để tỉnh xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo là sản phẩm mũi nhọn. Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch và đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nên Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn đang là những điểm đến hấp dẫn du khách. Đặc biệt, tỉnh đã chú trọng làm mới các sản phẩm -điểm đến thông qua việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch như các lễ hội du lịch biển, canavan đường phố, lễ hội ánh sáng, lễ hội tình yêu, lễ hội hoa...; bổ sung các sản phẩm du lịch mới, như khai trương tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, làng bích họa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... Ngoài ra, du lịch văn hóa - tâm linh cũng đang được tỉnh chú trọng đầu tư khai thác, với nhiều điểm đến hấp dẫn như Lam Kinh, Am Tiên, Phủ Na... Đồng thời, sản phẩm du lịch sinh thái dù đưa vào khai thác chưa lâu, song đang dần có được vị thế quan trọng, với Pù Luông là điểm nhấn thu hút cả khách trong nước và quốc tế.

Để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các cấp chính quyền trong tỉnh đã chú trọng xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đó là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch...

Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương nằm trong top tỉnh/thành có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng về lượt khách bình quân đạt 15,2%/năm; tăng trưởng tổng thu du lịch đạt 31,7%/năm, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, diễn biến khó lường của dịch bệnh gần 2 năm qua đã khiến cho nhiều chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng du lịch không đạt như kỳ vọng. Đồng thời, nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách kích cầu du lịch nội địa và cả nước ngoài trở nên “vô kế khả thi”. Chính vì lẽ đó, chú trọng phát triển du lịch nội tỉnh là một giải pháp cần thiết. Bởi, kể cả khi các tỉnh/thành trong nước có dịch, mà Thanh Hóa có thể khống chế tốt dịch bệnh, thì du lịch vẫn “có cửa” để tăng trưởng nhờ nguồn khách nội tỉnh tương đối dồi dào và nhu cầu đi du lịch ngày càng cao. Hoặc kể cả khi tỉnh ta đang có dịch như lúc này, thì việc bảo đảm các điều kiện cơ bản về hạ tầng, cơ sở vật chất, sản phẩm... và đặc biệt là thị trường hơn 3,6 triệu dân, sẽ là cơ sở để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch nội tỉnh sau khi dịch được khống chế. Qua đó, nhanh chóng tái khởi động hoạt động du lịch địa phương; đồng thời, góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, cũng như đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan và “xả stress” của người dân sau chuỗi ngày giãn cách phòng, chống dịch bệnh.

Song, để làm được điều đó, nhiều chuyên gia về du lịch cho rằng, địa phương cần có chính sách kích cầu du lịch nội tỉnh phù hợp, nhằm tạo ra các sản phẩm giá “mềm” nhưng bảo đảm chất lượng, hay giảm giá và tích hợp các tiện ích khác; đồng thời, kết nối các điểm đến trong tỉnh từ rừng xuống biển, nhằm biến hành trình khám phá xứ Thanh thành trải nghiệm đa dạng niềm vui cho du khách. Đặc biệt, cần chú trọng làm mới các sản phẩm, nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách. Nói cách khác là phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ tại điểm đến, với phương châm “tốt hơn - mới hơn - nhanh hơn - rẻ hơn”. Cụ thể là nâng cao chất lượng các sản phẩm sẵn có (biển, văn hóa, sinh thái); xây dựng các sản phẩm mới (du lịch đêm, du lịch mạo hiểm, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo...); các dịch vụ (ăn, nghỉ, đi lại...) phải thuận lợi hơn, nhanh hơn; giá cả dịch vụ phù hợp với túi tiền của đối tượng khách tầm trung trở xuống...

Thanh Hóa đang nỗ lực tạo dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh phát triển du lịch nội tỉnh. Muốn vậy, ngoài các yếu tố về tài nguyên du lịch, hạ tầng và cơ sở vật chất, sản phẩm đa dạng... thì điểm nhấn vẫn là yếu tố khác biệt. Đồng thời, phải gắn phát triển du lịch nội tỉnh với phương châm “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa” để thôi thúc và hấp dẫn du khách hướng về và lựa chọn với các sản phẩm - điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×