Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thanh Hóa: Đẩy mạnh liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch

03/01/2023 | 09:55

Ngay sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, ngành du lịch Thanh Hóa đã phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ấn tượng khi ngày càng thu hút được đông đảo du khách. Đạt được kết quả đó là nhờ hàng loạt các giải pháp đồng bộ hiệu quả đang được các cấp, ngành và các địa phương có thế mạnh về du lịch quan tâm thực hiện, nhất là việc đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch - Ảnh 1.

Một góc Khu Du lịch Pù Luông (Bá Thước).

Trước hết, phải khẳng định rằng Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng phong phú, hấp dẫn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Nhờ đó, Thanh Hóa đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách. Đồng thời, cũng là lợi thế để mở rộng thị trường du lịch thông qua việc liên kết, xúc tiến hình thành nhiều tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước hay mở rộng hợp tác quốc tế.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch đã được tỉnh ta quan tâm thực hiện mang lại hiệu quả cao. Điểm nhấn quan trọng nhất, phải kể đến là ngày 11-3-2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022. Đây chính là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, tỉnh ta cũng đẩy mạnh liên kết, bắt tay trong hoạt động du lịch với nhiều địa phương trong cả nước. Mới đây nhất, tại TP Cần Thơ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; hay việc tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng (VITM) 2022 (được tổ chức từ ngày 9 đến 11-12). Bên lề hội chợ đã diễn ra hội nghị ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Đà Nẵng. Ngoài ra, những năm gần đây, Thanh Hóa cũng được đánh giá là một trong những địa phương tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại thị trường nước ngoài, như: Tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại thị trường các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và các nước châu Âu như Liên bang Nga, Pháp, Đức. Đây đều là những sự kiện hết sức có ý nghĩa, góp phần tạo ra “sân chơi” cho các địa phương, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quảng bá, kết nối, và kích cầu du lịch.

Cùng với đó, để du lịch có sức lan tỏa sâu rộng đến bạn bè trong nước và quốc tế ngành du lịch Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này có thể thấy rõ ở một số khu, điểm du lịch và các địa phương trong tỉnh đã và đang thu hút lượng khách lớn nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, theo chia sẻ của ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý: Hiện tại Lam Kinh đã triển khai các loại hình du lịch thông minh như, hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống thuyết minh tham quan thực tế ảo của Mobiphone, quét mã QR trên phần mềm IOS, hệ thống thuyết minh cầm tay và các thuyết minh viên hướng dẫn tham quan trực tiếp... Nhờ đó, đến thời điểm này đã có hơn 400 nghìn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại đây.

Hay huyện Bá Thước, vốn là địa phương trọng điểm về phát triển du lịch nên cùng với việc chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm, địa phương đã tăng cường công tác quảng quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả thiết thực. Cụ thể như lập fanpage nhằm quảng bá các tiềm năng và hoạt động du lịch của địa phương; xây dựng các chương trình khuyến mại, chào tour, giới thiệu, quảng bá tới du khách qua các trang mạng xã hội; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong toàn quốc cung cấp tư liệu, giới thiệu các sản phẩm tới du khách... Cùng với đó, huyện tích cực mở rộng quảng bá tới các thị trường mới tiềm năng, hướng tới việc tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa cả về số lượng, chất lượng. Nhờ đó, năm 2022 lượng khách đến tham quan, trải nghiệm ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện là 82.647 lượt, trong đó khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước 77.199 lượt. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 120 tỷ đồng.

Để khai thác tối đa tiềm năng, ngành du lịch Thanh Hóa còn kêu gọi, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch phối hợp thực hiện các chiến dịch kích cầu du lịch, với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”, bảo đảm tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch... Với những giải pháp kích cầu du lịch linh hoạt và hiệu quả lượng khách du lịch đến Thanh Hóa ngày càng tăng cao. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, toàn tỉnh ước đón 11,01 triệu lượt khách du lịch, đạt 110,1% kế hoạch; trong đó khách quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,47 lần so với năm 2021.

Với mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 615 nghìn lượt trong năm 2023, Thanh Hóa đang tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát thị trường; đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin tuyên truyền và liên kết hợp tác phát triển du lịch trong đó, tập trung hướng đến một số thị trường trọng điểm như, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hàn Quốc, Pháp...; đồng thời đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng tuyên truyền cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá cũng như tăng cường liên kết nhiều chiều, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho quảng bá du lịch...

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×