Thanh Hóa: Đẩy mạnh hoạt động liên kết trong quá trình phục hồi du lịch
09/05/2022 | 10:22Sau thời gian tạm ngưng các hoạt động du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngay sau khi du lịch phục hồi trở lại, tỉnh Thanh Hóa chú trọng đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các địa phương trong cả nước, hợp tác phát triển du lịch mang tính bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ khôi phục du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”.
Với vị trí là cầu nối giữa 2 miền Bắc - Trung, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước, hướng đến sự đa dạng trong các chương trình tour, tăng sức cạnh tranh và sự hỗ trợ trong phát triển du lịch. Bằng nhiều nỗ lực, sau mỗi lần du lịch “đóng - mở”, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực xây dựng chương trình, chủ động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực du lịch với nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch các tỉnh phía Bắc và trong cả nước. Điển hình là các chương trình hợp tác du lịch như: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Thanh Hóa - Ninh Bình - Quảng Ninh; Thanh Hóa và 11 tỉnh, thành phía Bắc; Thanh Hóa và các địa phương có kết nối đường bay. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức khảo sát các khu, điểm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy sự quan tâm của các đơn vị trong việc xây dựng tour, tuyến, kết nối du lịch với Thanh Hóa trong quá trình phục hồi du lịch.
Trước yêu cầu phát triển du lịch theo tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong nước, thiết lập hành lang an toàn đón khách. Tháng 12-2021, tỉnh Thanh Hóa đã cùng với 11 tỉnh phía Bắc ký kết thỏa thuận hợp tác thiết lập hành lang du lịch an toàn. Việc liên kết giữa 12 tỉnh, thành phát triển du lịch an toàn rất phù hợp trong kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) với chủ đề “An toàn điểm đến - trải nghiệm trọn vẹn”. Theo đó, việc thúc đẩy liên kết, từng bước phục hồi du lịch nội địa ở thời điểm hiện tại được xem là cứu cánh cho doanh nghiệp ở các địa phương, mặt khác, giúp các địa phương dần thích ứng với lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Bộ VHTT&DL.
Cuối tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022, các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”.
Với những thông điệp hấp dẫn như “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, “Du lịch Nghệ An: Về miền ví giặm - xứ Nghệ ân tình”, “Du lịch Hà Tĩnh: Về Hà Tĩnh người ơi”, cả 3 địa phương đã nhanh chóng hình thành các tour liên kết điểm đến. Trong đó chủ yếu hướng đến các tour du lịch trải nghiệm, di sản văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng biển, như: Thành Nhà Hồ, Khu Di tích Lam Kinh, Khu Du lịch biển Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) - đền Cờn, đền Hoàng Mười, Khu Di tích Kim Liên, Khu Du lịch biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) - Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du, chùa Hương Tích, Khu Du lịch biển Thiên Cầm, Khu Du lịch biển Xuân Thành (tỉnh Hà Tĩnh)...
Gần đây nhất (tháng 4-2022), Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Hãng Hàng không Vietnam Airlines tổ chức chuyến famtrip khảo sát tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Thông qua chuyến khảo sát, không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành Thanh Hóa đánh giá thực trạng, chất lượng dịch vụ điểm đến, từ đó xây dựng chương trình tour phù hợp, mà thông qua đó còn mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa Thanh Hóa - Phú Quốc.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trust Viet (TP Thanh Hóa) cho rằng, chuyến khảo sát đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là việc thúc đẩy tạo chuỗi liên kết với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm mang đến cho du khách chất lượng dịch vụ tốt nhất, giá thành hợp lý nhất đối với các tour liên kết Thanh Hóa - Phú Quốc trong thời gian tới. Hơn nữa, Phú Quốc là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, đây là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp du lịch tỉnh Thanh Hóa thúc đẩy hợp tác, trao đổi thị trường khách.
Trong bối cảnh mở cửa du lịch trong điều kiện mới, liên kết hợp tác được xác định vẫn là giải pháp hiệu quả giúp khởi động lại các hoạt động du lịch của các địa phương. Các hoạt động liên kết nếu triển khai tốt sẽ giúp các địa phương mở rộng không gian du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách, góp phần thúc đẩy người dân đi du lịch trong nước và thu hút khách du lịch.
Để du lịch “bứt tốc” mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam từng nhấn mạnh tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với chủ đề “Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm” rằng: “Để đi đến hợp tác giữa các địa phương một cách có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, mỗi địa phương cần khai thác thêm các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của du khách. Đồng thời, thúc đẩy chặt chẽ hơn nữa sự hợp tác giữa các hiệp hội du lịch trong việc xây dựng các chương trình hành động chung. Việc hợp tác phát triển du lịch mang tính chiều sâu giữa các địa phương sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”.
Có thể nói, việc đi đến hợp tác giữa các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong cả nước, không chỉ góp phần tạo ra nhiều tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, mở rộng thị trường khách du lịch mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh phục hồi du lịch. Do đó, liên kết là xu thế tất yếu, thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác du lịch với các địa phương trên tinh thần các bên cùng có lợi; tổ chức các hoạt động liên kết có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu, điểm du lịch; triển khai hiệu quả các chương trình: Tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết; điều phối tuyến du lịch từ Thanh Hóa đến các tỉnh, thành phố liên kết và ngược lại; đào tạo nguồn nhân lực có tính chất liên thông giữa các địa phương...